Từ cũ, nghĩa mới
Nỗi đau đáu trước nguy cơ tán gia bại sản của vị giám đốc trẻ rõ ràng là nỗi niềm chẳng phải chỉ riêng của anh Huy. Và chẳng cần phải đợi lâu, những lời khuyên rất ngắn gọn song đầy sức nặng đã tới ngay giúp anh giải mã câu đố của Hải quan (mà chắc cũng là của chung một số cửa công khác nữa): Thế nào gọi là thiếu giấy tờ?
“Thiếu cái " Đầu Tiên" đó mà. Cán bộ "giúp" bạn hiểu đời thêm chút ít” - Huỳnh Phan pro_tv84@yahoo.com.vn.
“Hầu như doanh nghiệp nào cũng phải “lót” cho họ 1 ít mới dễ thở được, không thì họ làm hải quan làm gì?” – Linh linhth@gmail.com.
“Anh có phong bì chưa? Giấy tờ của anh thiếu là phong bì để bọc lót hồ sơ của anh, cán bộ bây giờ thích thủ tục và hoa mỹ lắm” - Nguyễn Xuân Bách xuanbach0611@yahoo.com.vn.
“Không hiểu công chức ở đây làm việc thế nào nữa, quá tắc trách. Có lẽ 1 loại giấy tờ duy nhất họ cần là polime đó anh” - Nam phuongnam_napa@yahoo.com.vn.
“Tem 'đầu tiên’ không có, thì ‘thiếu giấy tờ’ là phải rồi. Xẻ cho các anh ấy một ít gọi là ‘học phí’ - Hai huongkethom@yahoo.com.
“Mình làm bên xuất nhập khẩu nên biết tỏng, mấy ông hải quan này muốn vòi tiền đây mà” - Nguyen Son ngocson_145@yahoo.com.
“Làm luật” - Đó là cách mà nhiều người có quyền kiểm soát trên mọi tuyến đường sông, biển, bộ và cả hàng không thường áp dụng. Làm sai cũng “luật”, làm đúng cũng “luật”, không “luật” thì chắc chắn… chết!... Người dân thấp cổ bé họng, người làm ăn nhỏ biết kêu ai?” - Nguyễn Quang Sáng Quangsangbk@yahoo.com.
Và còn nhiều nữa, nào là “bôi trơn”, “chống khô miệng”, “tiền trà thuốc”… Có lẽ tuy đã có trong từ điển tiếng Việt, nhưng giờ những từ cũ đó lại mang thêm nhiều nghĩa rất mới đầy ẩn ý mất rồi.
Chuyện “củ hành, củ tỏi”
Đáp lại lời than “Sao những người làm ăn chân chính lại phải khổ sở đến vậy” của một bạn đọc, lại thêm một định nghĩa nữa khá hài hước được Nguyen Van Phuong phuongbancavl@gmail.com đóng góp: “Tôi cũng là giám đốc một doanh nghiệp nhỏ như anh, trong các thương vụ tôi cũng rất mệt mỏi. Nói theo cách của chúng tôi là những kẻ tham lam đó củ hành củ tỏi mình đó mà, anh kêu làm gì...”
Tổng kết “Vừa tức cười vừa tức tưởi!” (như nhận xét của Tu Nguyentunguyen1980@gmail.com) được bạn đọc dấu tên có emailThaibinh_toiyeu@yahoo.com.vn đưa ra cùng lời mách nước cụ thể: “Gây khó, làm tiền, hành hạ doanh nghiệp... đó là những nét chính có thể mô tả sơ qua về không ít cán bộ, công chức hiện nay trong bộ máy hành chính nước ta. Chỉ có những chủ doanh nghiệp nào hiểu biết pháp luật, thần kinh thép mới có thể đưa doanh nghiệp đến thành công và vượt qua những cửa ải hành hạ của các cán bộ Hải quan kiểu như trong câu chuyện này.
Hải quan bây giờ nhiều người thích tiền lắm, cứ đưa cho họ 100 triệu là được đi thui, còn hơn là bị giữ tàu. Luật đầu tiên mà, cứ thế mà làm, hỏi nhiều làm gì?”
Trung trung.ttkc@gmail.com cũng rút ra kết luận: “Thế mới biết là cán bộ các ngành này sao mà giàu như vậy. Họ có tiền mua xe, mua nhà, cho con cái đi du học… Nếu chỉ sống bằng tiền lương thì làm sao mà họ phất nhanh vậy? Câu hỏi này chắc phải dành cho các cơ quan chức năng trả lời. Nhưng các pác nhà ta biết có lẽ cũng chẳng làm gì được đâu… Buồn thật!”
Anh Trần Hoàng Huy đếm số phiếu báo chuyển phát nhanh lá thư của mình (ảnh: Ngô Nguyên, nguồn: Lao Động)
Trường đời
Du Nguyen nguyenvanduhn@gmail.com chia sẻ: “Tuổi trẻ với khát khao làm giàu chính đáng của bạn thật đáng quí, Chỉ tiếc Thày/Cô của bạn có lẽ đã cung cấp kiến thức sách vở mà quên trang bị cho bạn kiến thức thực tế. Thử hỏi doanh nghiệp nào làm ăn mà còn ngây thơ như bạn không? Cũng mong sao dư luận cùng lên tiếng để những thiệt hại của một bạn trẻ không trở thành vô nghĩa”.
“Chào Huy. Tôi rất chia sẻ và thấu hiểu hoàn cảnh của bạn. Trước đây khi còn làm ăn, có công ty riêng tôi đã gặp chuyện dở khóc dở cười kiểu này với bên Thuế rồi. Là một công dân, tôi thiết tha cầu mong các quan chức hãy suy nghĩ, xem xét, kiểm tra cách làm việc của thuộc cấp của mình. Một điều mà chúng ta khẳng định được ngay lúc này là đang có hàng nghìn hàng, hàng vạn trường hợp như anh Huy. Chúng ta hãy có cơ chế nào đó để nhận được những phản hồi của những con người làm ăn như thế này, để giúp họ phát triển lớn mạnh, không bị sách nhiễu. Nếu những DN này lớn mạnh, chắc chắn cũng sẽ góp thêm nguồn lực thúc đẩy đất nước phát triển mạnh. Xin đừng vô tâm với những trường hợp như anh Huy. Xin cảm ơn!” - Doan Minh Chauchauminhdoan@yahoo.com.
“Thủ tục hành chính thì quá phức tạp, quan chức thì nhìn chung còn quan liêu. Chỉ tội cho những doanh nghiệp nhỏ thiếu vốn, thiếu hiểu biết thực tế, thiếu khả năng quan hệ thì bị hành có khi cho đến chết là đúng thôi. Nếu các vị ở Hải đội 3 làm đúng theo lời bác Hồ dạy "nguyên tắc quá hay lỡ việc"và có thêm một chút nhân ái, thì chắc một doanh nghiệp mới tập tễnh bước vào kinh doanh như Huy Phát sẽ có cơ hội thoát một cái chết bất đắc dĩ” - Nguyễn Đình Nguyênnguyendinhnguyen1950@yahoo.com.
“Là một DNTN tồn tại được trong giai đoạn này rất khó, càng khó hơn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì ngoài việc khả năng cạnh tranh còn hạn chế thì DN còn bị "hành" bởi rất nhiều thủ tục hành chính rất " trời ơi đất hỡi" và rất rất nhiều thứ nữa. Trong những năm gần đây Đảng và Chính phủ đã có những chính sách ưu tiên nhằm khuyến khích sự phát triển của các thành phần kinh tế tư nhân, vì đây là thành phần kinh tế có đóng góp rất lớn vào sự phát triển chung của nền kinh tế nước nhà. Nhưng những chính sách ưu tiên đó mới chỉ như "hạt muối bỏ bể" so với những gì mà DN đang bị các cơ quan chức năng "hành"- Son Dong Tam hoaison24088287@yahoo.com.vn.
“Tôi thật không hiểu sao các bộ ngành ở Việt Nam không đưa thông tin rõ ràng lên trang điện tử, nêu rõ những giấy tờ gì cần thiết khi xuất/nhập khẩu một mặt hàng. Nếu tất cả giấy tờ đầy đủ mà cán bộ vẫn hoạnh họe, hạch sách và đòi hối lộ, tham nhũng thì sẽ bị xử lý. Không biết đến bao giờ Việt Nam mới hạn chế được đáng kể tình trạng hạch sách, nhũng nhiễu ở các cơ quan cửa quyền. Các diễn đàn cần đưa vấn nạn này tới các quan chức nhà nước để có biện pháp ngăn chặn…” - Minh Hoanghoang86@hotmail.com.
“Điều này là nỗi ám ảnh của nhiều DN và cả nền kinh tế của Việt Nam . Cứ phải nói rằng chúng ta sống là phải biết chấp nhận chăng? Làm sao, bao giờ Việt Nam mới bằng thế giới thì vẫn là câu hỏi dài lắm. Khi mà xã hội vẫn là những dây mơ dãy má dứt không đứt. Huhu…Tôi yêu Việt Nam là câu nói của nhiều người trẻ ngày nay. Tôi cũng là một người trẻ mới lớn (sinh năm 1988) và cũng muốn nói rằng chúng tôi không muốn rơi vào cảnh ngộ như vậy đâu” - Nguyen Khaiwsfshootingstar@gmail.com.
Hải quan kiểm tra 1 lô hàng (ảnh minh họa: cand.com.vn)
Nhịp cầu hy vọng
Lá thư kêu cứu của anh Hoàng Huy được nhiều người ủng hộ và tìm cách chuyển tiếp thông qua những phản hồi trên báo online, với hy vọng sẽ tới được tay Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cũng như các vị giới chức khác:
“Thật sự chưa biết ai sai ai đúng, nhưng rõ ràng ở đây đã nhìn thấy có sự quan liêu (tôi chưa dám nói đến tham nhũng). Kính mong Bộ trưởng Vương Đình Huệ - người được đông đảo đảng viên và nhân dân tin tưởng, tín nhiệm trong thời gian qua - hãy cử nhân viên xem xét, làm rõ vụ việc để từng bước đẩy lùi quan liêu trong các cơ quan công quyền” -Phan Luong chuotnhat@gmail.com.
“Hy vọng Bộ Trưởng Vương Đình Huệ sẽ đọc được những dòng thư cầu cứu của anh, và rất mong Bộ trưởng chỉ đạo cơ quan chức năng giải quyết sớm cho doanh nghiệp của anh Huy để anh yên tâm làm kinh tế” - Thành Bảo thanhbao_tokyo@gmail.com.
“Cần gì đây???? Chắc ai đọc cũng có cùng 1 suy nghĩ. Em còn ít tuổi, mới đi làm chưa hiểu rõ được luật. Nhưng đọc xong bức thư của anh Huy, em cảm thấy rất bức xúc. Các cơ quan chức năng cũng là những nơi phục vụ người dân thì nên tạo mọi điều kiện để người dân cùng đóng góp cho đất nước phát triển, chứ làm như thế có khác gì ép người ta vào đường cùng không?Em rất cảm thông cho tình cảnh của anh Huy, rất mong Bộ trưởng làm rõ vấn đề xem ai sai ai đúng, lấy lại công bằng. Không nên để lọt những vấn đề này vì sẽ làm lòng tin của người dân bị lung lay. Cảm ơn báo Dân trí đã có những bài viết rất ý nghĩa. Những sự việc thế này cần được đăng tải nhiều hơn. Em và rất nhiều người dân đặt niềm tin và hy vọng vào tiếng nói của báo chí…” - Nguyễn Khánh khanhngoc27.jsc@gmail.com.
“Nếu đúng như thế là tiêu cực rồi! Kính đề nghị Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ xem xét xử lý nhanh giúp người ta. Đề nghị Bộ trưởng chỉ đạo Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hải Quan và cử cán bộ giám sát chặt chẽ. Người đại diện 1 doanh nghiệp đang kêu cứu. Hãy giúp đỡ người ta, hãy cứu 1 doanh nghiệp sắp bị phá sản. Mà đã giúp thì giúp đến nơi đến chốn. Thông tin này đã đưa lên công luận thì nhiều người dân đều biết. Tôi nghĩ: Đừng để mất niềm tin của doanh nghiệp. Cần thiết phải giữ niềm tin của dân - Lấy dân làm gốc" – Phùng Trần Đứcducptb12@gmail.com.
“Kính gửi bộ trưởng Bộ Tài chính. Tôi không biết liệu bài báo này có đến tay Bộ trưởng để Bộ trưởng cùng đọc với mọi người dân Việt Nam nói chung, và các doanh nghiệp Việt Nam , doanh nghiệp nước ngoài có vốn đầu tư tại Việt Nam nói riêng hay không. Nếu ngài có đọc, thì liệu tình hình có được chuyển biến gì không và có kết quả gì tốt đẹp không? Xin ngài hãy làm điều gì đó ngay, cho mọi người thấy được sự thỏa đáng….
Bấy lâu nay người người hô hào chống tham nhũng, hối lộ, thực hiện chính sách một cửa, nhưng sao vẫn có nhiều chuyện đau lòng như vậy? Dù vẫn biết mỗi ngành mỗi nghề cần phải có mức thu nhập “trong và ngoài" hợp lý, nhưng ít nhất xin ngài hãy xem xét lại chính sách, cách làm việc của Đội kiểm soát phòng chống buôn lậu biển. Chúc Bộ trưởng sức khỏe” - Nguyễn Thị Vân Anh nguyenthivananh1412@yahoo.comgửi tiếp một lá thư ngỏ thống thiết khác.
Và còn nhiều lắm những lời than thở, những tiếng kêu, những lá thư ngỏ như vậy từ các doanh nghiệp, người dân vẫn hàng ngày được gửi tới các Bộ trưởng, các vị giới chức nhiều ngành để chờ phúc đáp, chờ lấy lại được công bằng...
Kiều Anh