Bà Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Tạo, ĐBQH khoá 13 cho rằng những vụ lùm xùm liên quan đến bản thân trong thời gian qua có nhiều điều cần làm rõ.
- Trong tất cả những chuyện xảy ra vừa qua liên quan đến vai trò đại biểu quốc hội (ĐBQH) của mình, bà có thấy bị oan ức?
- Tôi tin rằng, bất cứ ai ở vào địa vị của tôi sẽ đều cảm thấy như tôi. Dù là ai, ĐBQH, hay doanh nhân thành đạt, tôi cũng là một con người… Tôi đã giải trình không phải một lần mà nhiều lần với Ban công tác đại biểu và Thường vụ Quốc hội. Còn với cơ quan truyền thông, tôi đã có đơn giải trình những mong để họ hiểu thêm và có tiếng nói đa chiều, song tiếc rằng có một số báo lại trích dẫn hoặc làm theo chủ ý riêng của họ. Chính vì vậy đã khiến cử tri và độc giả cả nước có một cái nhìn phiến diện…
- Trong cuộc đối thoại với báo chí hôm 21.4, bà cho rằng chưa có ai ở Thường vụ Quốc hội trực tiếp làm việc với bà. Vì sao bà không chủ động đề nghị được làm việc trực tiếp với những người có chức năng ở Thường vụ Quốc hội?
- Tôi đã chính thức có văn bản đăng ký xin gặp, nhưng chưa được gặp. Sự việc suốt 01 năm qua ở một số tờ báo thông tin sai lệch về đời tư của tôi, bị gán ghép, quy chụp, suy diễn đến tàn nhẫn cũng là điều dễ hiểu khi các nhà báo chưa một lần tiếp xúc, đối thoại với chính tôi. Vì vậy mà tôi đã âm thầm chịu đựng và tự động viên bản thân: Rồi mọi chuyện sẽ qua, sự thật sẽ không thể bị vùi dập mãi được. Tôi dành thời gian của mình để tập trung cho công việc.
- Bà có đồng ý với đề nghị bãi nhiệm ĐBQH của UBMTTQ tỉnh Long An và UBMTTQ TW đưa ra?
- Dù không hoàn toàn đã đồng ý với đề nghị của UBMT TQ, song tôi đã chủ động viết đơn gửi Thường vụ Quốc hội xin chấp hành quyết định của họ và chỉ yêu cầu làm rõ 03 vấn đề: Thứ nhất, liên quan đến biểu mẫu lý lịch ứng cử theo quy định của Ban bầu cử Quốc hội: hiện cũng có vài đại biểu Quốc hội khác của khóa 13 rơi vào hoàn cảnh tương tự như tôi, cũng đã từng là Đảng viên và đến khi ứng cử không còn là Đảng viên nữa. Mặc dù, chúng tôi không hề quen biết nhau nhưng khi khai lý lịch mục về “Ngày vào Đảng chính thức” thì đều khai tương tự (để trống – PV).
Chúng tôi đều hiểu: Nếu viết ngày đã được kết nạp Đảng thì thực sự là khai man và không hề có một khoản mục “Đã từng vào Đảng ngày nào?”. Như vậy, chính vì không có sự hướng dẫn và biểu mẫu quy định của Ban Bầu cử không rõ ràng nên chúng tôi có thể đã chưa đáp ứng được đầy đủ nguyện vọng của cử tri mong muốn được hiểu rõ về người đại biểu của họ. Điều này hoàn toàn khác xa với việc kết án là khai man hoặc không trung thực.
Thứ hai, việc khai ly hôn, tương tự như khai Đảng viên, cũng không ít các ĐBQH khóa 13 đã ly hôn vợ hoặc chồng đã không khai về người chồng hoặc vợ đã ly hôn và tôi tin chắc rằng các đại biểu khác cũng hiểu như tôi và cũng làm như tôi. Hơn nữa, xét về lý, trong biểu mẫu lý lịch quy định không hề yêu cầu; và người đã ly hôn thì làm gì còn liên quan pháp lý để phải khai? Về tình: Có con người nào muốn phơi bày nỗi đau của mình không, nhất là nỗi đau đớn đó hoàn toàn riêng tư, không ảnh hưởng đến lợi ích của bất cứ ai?
Thứ ba, có dấu hiệu bất thường trong lý lịch của tôi bị sửa chữa. Từ tháng 11.2011 tôi đã có đơn gửi Ban công tác Đại biểu đề nghị làm rõ việc có sự tẩy xóa, giả mạo, viết bằng tay thêm các thông tin về người chồng đã qua đời của tôi. Trong khi bản chính thức của tôi tại mục về chồng là “không”. Song đến nay tôi vẫn chưa nhận được trả lời về vấn đề này. Dù biết rằng. nếu tôi có khai về người chồng đã mất thì không có gì sai trái do không có luật pháp nào quy định đã chết thì không còn phải là chồng. Tuy nhiên, tôi đã khai không có chồng để phản ánh đúng thực chất tình trạng hôn nhân của mình.
- Bà nói gì với cử tri Long An, những người đã tin tưởng và bầu bà làm đại diện có chính họ?
- Bản thân tôi xuất thân từ một gia đình giàu truyền thống cách mạng, ông ngoại là những người đầu tiên tham gia Thanh Niên Cách mạng Đồng chí Hội, tiền thân của ĐCSVN; Ủy viên xứ Ủy Bắc kỳ của ĐCSVN, từng bị tù đày… Bác tôi là Đại tá, người thuyền trưởng đầu tiên khai phá ra con đường biển vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam, khi bị địch phát hiện đã là người ở lại cuối cùng đốt tàu chở vũ khí để không lọt vào tay giặc…
Suốt gần một năm qua được cử tri tín nhiệm bầu vào QH, tôi đã nhiệt tình, thẳng thắn đóng góp ý kiến trước nghị trường. Đơn cử như ở kỳ họp thứ nhất, tôi đã phân tích về tỷ lệ thu thuế của Việt Nam/GDP cao nhất châu Á - lên tới 28%, ngay cả Trung Quốc cũng chỉ có 17% và đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thông qua chỉ tiêu kéo tỷ lệ thu thuế/GDP trong năm 2012 và kế hoạch 5 năm sẽ ở mức 22-23%.
Kỳ họp thứ 2, tôi đã cảnh báo việc 3.000 hồ thủy lợi tiềm ẩn rủi ro rất lớn vì không được chú trọng quản lý, nếu hồ Cửa Đạt bị bể sẽ mất trắng tỉnh Thanh Hóa. Thực tế vừa qua, đập Sông Tranh bị nứt đã gây bao lo ngại cho biết bao người.
Tôi đã mạnh dạn đưa ra cảnh báo loại tội phạm mới lợi dụng chính sách để thôn tính doanh nghiệp, ngân hàng. Thực tế, hiện nay có hàng trăm ngàn doanh nghiệp đã và đang chết hàng loạt. Thương hiệu cá ba sa phải mất 20 năm mới xây dựng được, doanh nghiệp đã phải đi đánh đông dẹp bắc nơi xứ người để được vinh danh thành ‘Nữ hoàng’ tại Mỹ và Châu Âu, thì nay đang chết trên sân nhà với các khoản nợ; 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp 40% GDP của cả nước, giải quyết hàng chục triệu việc làm đang thực sự lâm nguy…
Theo BAODATVIET
Theo BAODATVIET