Hai năm trước, ngày 10.12.2010, 132/133 đại biểu HĐND TP.Hà Nội đã biểu quyết thông qua khung giá đất mới năm 2010, một khung giá mà chính người đề xuất cũng thừa nhận là “cách xa so với giá thực tế”. Sự thống nhất gần như tuyệt đối của các vị đại biểu dân cử, trước một thực tế “cách xa so với thực tế” đang thể hiện sự bất lực, đúng hơn là đầu hàng, của những người làm chính sách trước sự lạc hậu đến vô lý của chính sách.
Theo Luật Đất đai 2003, Chính phủ quyết định khung giá đất chung áp dụng cho cả nước. Căn cứ khung giá đất này, UBND cấp tỉnh quyết định “bảng giá đất” trên địa bàn nhưng không được vượt quá 20% giá trần. Do đó, bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành hàng năm thường chỉ bằng 30 – 60% giá đất giao dịch trên thị trường. Và bảng giá này đã sinh ra 2 hệ lụy: Ngân sách thất thu số tiền rất lớn từ giá đất ảo; Và ở chiều hướng khác, chính vì bảng giá đất không sát giá thị trường nên tình trạng khiếu kiện về đất đai diễn ra nóng bỏng, kéo dài.
Vì sao khiếu tố liên quan đến đất đai lại 'nóng'? |
GS Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trong một cuộc trả lời báo chí gần đây đã khẳng định, quyết định cưỡng chế tại Văn Giang, Hưng Yên vừa rồi là “một quyết định đúng”. Những bất cập chủ yếu thuộc về khung pháp luật mà không thuộc về phần thực thi pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng hôm qua đã nhấn mạnh đến “những bất cập trong chính sách” như là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến khiếu tố nóng bỏng. Và “đèn xanh” đã chính thức được bật khi 2 ngày trước hội nghị này, Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ đã đồng ý với việc bỏ khung giá đất. Phải khẳng định đây không đơn thuần chỉ là biện pháp tình thế để hạ nhiệt khiếu tố, mà là bởi những bất cập từ khung giá đất được quy định cứng ngắc trong luật, đã gây nên biết bao nhiêu hệ lụy, khiến dân chúng bất bình.
ĐÀO TUẤN (DÂN VIỆT)