Nhiều trang mạng đang “câu view” chuyện Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện có giấy mời của Thanh tra Sở Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Hà Nội đến làm việc liên quan đến các thông tin trên blog của ông này.
Chuyện chẳng có gì đáng nói nếu ông Diện không lôi kéo bà Lê Hiền Đức – người đã ngoài 80 tuổi cùng đến. Thế rồi tại Sở TT&TT Hà Nội xảy ra vụ gây rối trật tự, phá hoại tài sản vào chiều ngày 01/6 và rạng sáng ngày 02/6 do bà Đức gây ra.
Ông Nguyễn Văn Minh, Chánh thanh tra Sở TT&TT Hà Nội cho biết: Vào chiều ngày 01/6, Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội có mời ông Nguyễn Xuân Diện (blogger Nguyễn Xuân Diện) cán bộ Viện Hán Nôm lên làm việc. Theo chương trình, Thanh tra Sở chỉ mời ông Diện. Tuy nhiên, khi ông Diện đến, mặc dù không thuộc đối tượng và không liên quan đến nội dung buổi làm việc này, đi cùng với ông Diện vẫn có luật sư Hà Huy Sơn và bà Lê Hiền Đức cũng đòi tham dự. Tất nhiên, Thanh tra Sở TT&T Hà Nội đã mời luật sư Sơn và bà Đức ra ngoài. Là người có hiểu biết, luật sư Sơn chấp hành còn bà Đức thì không. Bà Đức nói, bà muốn tham gia buổi làm việc với tư cách là người chứng kiến, thực hiện quyền giám sát của công dân đối với các cơ quan Nhà nước.
Nghe chuyện này, dư luận không khỏi ngạc nhiên vì việc ông Tiến sĩ Diện đâu phải là người cần trợ giúp pháp lý mà đưa ông Luật sư Hà Huy Sơn và bà Đức đi cùng? Mặc dù bà Lê Hiền Đức xưa nay có giúp đỡ những người dân vùng sâu vùng xa hiểu biết pháp luật… Tuy nhiên, thật vô lối khi ông Diện đưa cả bà già ngoài 80 tuổi đi cùng với mình đến làm việc với Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội. Ông Diện không lẽ ú ớ đến mức phải cậy nhờ bà cụ đáng tuổi bà nội, bà ngoại giúp đỡ pháp lý? Ở tuổi này việc trái tính trái nết rất dễ xảy ra!
Và quả thực việc đó đã xảy ra. Theo ông Minh thì cơ quan này đã phải vận động, thuyết phục rất nhiều thời gian nhưng bà Đức kiên quyết “cố thủ”. Bà ngồi trước cửa phòng Thanh tra và đập cửa, nói năng ầm ĩ, gây rối, làm mất trật tự không cho ai làm việc. Đến 17h, khi đã hết giờ làm việc, cơ quan tế nhị mời bà Đức ra về nhưng bà không về mà vẫn ngồi lại chửi bới, lăng mạ hết người này đến người khác. Nhiều người đã thuyết phục nhưng bà Đức vẫn không chịu mà còn tiếp tục dùng ghế kéo gây tiếng ồn, rồi đập vỡ cửa kính, đập ổ khóa của phòng làm việc.
Buộc lòng, Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội phải mời Công an quận Đống Đa đến giải quyết. Sau khi tiếp nhận được nội dung sự việc, Công an quận đã cử lực lượng xuống phối hợp cùng với Công an phường Cát Linh thu thập hồ sơ về hành vi gây mất trật tự của bà Phạm Thị Dung Mỹ tức là bà Lê Hiền Đức, sinh năm 1932, hiện trú tại ngõ 56, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. Đến 23h, bà vẫn quậy tưng bừng ở đây như đập cửa kính, sau đó lại dùng chân đạp vào cửa kính tự gây thương tích cho bản thân.
Công an quận Đống Đa cho biết, họ đã mời bà hợp tác lập biên bản tại hiện trường nhưng bà Đức không ký, mời bác sĩ Bệnh viện Đống Đa đến băng bó nhưng bà không chịu. Bà yêu cầu đưa đến Bệnh viện Hữu Nghị nên Công an quận đã phải cử 2 chiến sĩ đi kèm xe taxi đưa bà tới Bệnh viện Hữu Nghị. Theo thông tin từ Bệnh viện Hữu Nghị, vết thương của bà Đức chỉ xây xát nhẹ nhưng bà cố tình làm to chuyện. Hành vi của bà Lê Hiền Đức đã vi phạm Nghị định 73 của Chính phủ vì đã đến trụ sở cơ quan Nhà nước gây rối, cản trở hoạt động, vi phạm Điều 143 Bộ luật Hình sự. Đáng ra, Cơ quan Công an phải bắt giữ bà Đức theo đúng quy định của pháp luật nhưng vì bà tuổi cao, sức yếu lại đang nằm bệnh viện nên khi nào ra viện, công an sẽ mời bà Đức đến quận làm việc và sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Có thể thấy gì qua vụ này? Trước hết, việc Sở TT&TT Hà Nội mời ông Diện đến làm việc ngày 01/6/2012 là việc bình thường theo quy định của pháp luật hiện hành. Thế nhưng ông Diện đã tự ý đưa bà Đức đi cùng và kết cục là chính bà đã gây chuyện ở nơi công sở. Blogger Nguyễn Xuân Diện, được biết đến là người có rất nhiều hành vi bất bình thường với nhiều trang viết gây bất lợi cho công tác thông tin truyền thông hiện nay. Trên trang mạng cũng như trong xã hội, ông này có vẻ thích chơi trội. Trong vụ ông Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, ông Diện có đứng ra hô hào cứu trợ khẩn cấp. Tuy nhiên, cầm được tiền rồi, ông lần khân mãi không chịu chuyển cho vợ con ông Vươn. Hà cớ làm sao?
Trong vụ Văn Giang, ông Diện cũng dây máu ăn phần và gọi bà con ở đây là “dân oan” (đã có ai bị bắt bớ, xét xử gì đâu mà oan!). Hóa ra, theo một blog, Ecopark khởi động từ năm 2003, năm 2004 được chính thức phê duyệt, đến hết 2008 đã có 80% số hộ nhận đền bù. Dự án bị “treo” gần chục năm vì số 20% “dân oan” kia.
Khi nhà đầu tư xuống thương thảo với dân, “dân oan” mang một đoàn xe máy quay ống pô vào phòng họp và… nổ máy. Đây là trò “phá thối”. Không ít hộ phải giấu kín khi nhận tiền đền bù vì “dân oan” từng đánh bả chết nguyên đàn lợn của một gia đình khi dám thách thức công khai.
Chủ đầu tư đã đích thân gặp gỡ hơn 40 “dân oan” cầm đầu. Đòi hỏi của “dân oan” là thế này: phải nhận đền bù gấp 3 các hộ khác và cam kết sẽ giữ bí mật về số tiền này cho nhà đầu tư.
Chủ đầu tư đưa ra hướng giải quyết: cho dù có giữ bí mật cũng không thể bất công trong giá đền bù giữa các hộ. Thay vào đó, vì lượng cây xanh yêu cầu trong Ecopark là cực lớn, các “dân oan” sẽ đóng vai trò nhà cung cấp và chủ đầu tư cam kết sẽ mua giá cao hơn giá thị trường. Trồng cây cảnh là chính nghề của “dân oan” và đất Văn Giang. “Dân oan” chỉ khoái “tiền tươi, thóc thật”, không khoái lao động phổ thông.
Đặc biệt nhất, “lãnh đạo” cầm đầu của số “dân oan” hiện đang bỏ trốn, nguyên là kẻ có tiền án và không có một mét đất nào nằm trong diện tích giải tỏa. Những điều kể trên, Diện biết không? Biết rõ mười mươi là đằng khác, vì Diện nằm trong chính số đó.
Chả trách có blogger đã gọi ông Tiến sĩ này là kẻ thần kinh chính trị cũng không sai! Xem ra ông Nguyễn Xuân Diện, người lôi kéo bà già tám chục đi cùng rồi bỏ mặc bà già này ở lại quậy phá ở cơ quan, thiết nghĩ cũng nên xem xét trách nhiệm liên đới.
Trần Công Dân
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)