Những ngày gần đây, Quốc hội Việt Nam đang thảo luận và lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân về việc sửa đổi Hiến pháp 1992 để phù hợp với yêu cầu của thực tiễn đất nước trong tình hình mới. Có thể nói việc Nhà nước ta tiến hành lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân để nhân dân đóng góp những ý kiến tâm huyết với Đảng, Nhà nước là hoàn toàn đúng đắn, đồng thời nó cũng thể hiện được tính dân chủ trong hoạt động lập pháp của Nhà nước. Sửa đổi Hiến pháp là cơ hội để chúng ta nhìn nhận lại những mặt đã làm được và những mặt còn hạn chế trong quá trình xây dựng và thực hiện Hiến pháp. Bên cạnh đó, đây cũng là điều kiện để Nhà nước ta hoàn thiện hệ thống chính trị, pháp luật đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế.
|
Góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992: Cần cảnh giác với những âm mưu đen tối | |
| |
|
Quá trình lấy ý kiến, chúng ta đã nhận được nhiều góp ý thẳng thắn, tâm huyết của đông đảo nhân dân, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến tâm huyết đã có không ít những cá nhân, tổ chức lợi dụng việc đóng góp ý kiến về việc sửa đổi Hiến pháp để lồng ghép những nội dung chống Đảng, Nhà nước, những nội dung đi ngược lại với lợi ích của đất nước, dân tộc và nhân dân ta. Không ít người đã lợi dụng việc góp ý sửa đổi Hiến pháp để gửi đến Quốc hội, Chính phủ, đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta những “ý kiến” dưới dạng “thư ngỏ”, “góp ý với Đảng, Nhà nước”… Thậm chí còn có những ý kiến đăng tải công khai trên mạng internet, trên các chương trình, trang web của các cá nhân, tổ chức nước ngoài “đề nghị” với Đảng, Nhà nước ta về việc sửa đổi Hiến pháp 1992. Những “thư ngỏ”, “góp ý” này tập trung vào nhiều nội dung của Hiến pháp. Trong đó, có những ý kiến “góp ý” đã đề cập rằng, để đất nước phát triển, trong Hiến pháp mới cần phải bỏ quy định về việc Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội, tức là xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp 1992, chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Có như vậy, đất nước mới có dân chủ và mới có thể phát triển được.
Chúng ta thấy rằng, lịch sử cách mạng nước ta đã chứng minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước ta, dân tộc ta đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đất nước thoát khỏi ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, giành được độc lập, tự do và đi lên phát triển. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước ta đang từng ngày phát triển, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, vị thế của nước ta ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Chính vì vậy, việc Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội là sự lựa chọn của lịch sử, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện và thực tế lịch sử Việt Nam.
Vậy mà có những ý kiến cho rằng, sửa đổi Hiến pháp cần phải xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp 1992, chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Liệu đây có phải là những ý kiến đóng góp tâm huyết, chân thành với Nhà nước và nhân dân hay không hay vì những động cơ, mục đích khác. Những ý kiến này có phải xuất phát từ lợi ích của dân tộc, của đất nước và nhân dân hay đằng sau nó là những ý đồ thâm độc của những phần tử xấu, cơ hội nhằm đạt được mục đích cá nhân của mình. Và có lẽ câu trả lời nằm chính trong sâu thẳm trái tim, tâm hồn của những con người này.
Bởi vậy, để sửa đổi Hiến pháp thành công chúng ta cần những lời góp ý tâm huyết, thẳng thắn và chân thành!
Xem thêm:
Nguyễn Tấn Dũng ,
Trần Đại Quang