Tại cuộc nói chuyện về công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, ông Thanh nhấn mạnh: “Tình hình giao thông đang có dấu hiệu hỗn loạn, băng nhóm tội phạm cũng manh nha. Vì vậy lực lượng cảnh sát rất quan trọng trong việc xây dựng thành phố đáng sống”.
Lực lượng cảnh sát giao thông Công an Đà Nẵng làm nhiệm vụ
Lắp camera giám sát CSGT
Nói chuyện với lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT), ông Thanh cho biết năm 2012 sẽ có nhiều chủ trương chính sách mới vừa khuyến khích, động viên nhưng cũng phải có chế tài mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Theo ông, với việc xử lý quyết liệt trên địa bàn TP, từ gần 10 năm qua đã không có hiện tượng đua xe như các TP lớn khác. Ông Thanh yêu cầu CSGT tại bốn trạm cửa ô mỗi quý phải đổi tất cả quân một lần để tránh tình trạng cánh lái xe đường dài quen biết xin xỏ, nảy sinh tiêu cực. Ông ví von: “Đừng để giống như con cá trê ở lâu trong hang rồi mọc râu dài vươn ra ngoài”.
Lực lượng CSGT tại bốn trạm Hòa Phước, Hòa Hải, Kim Liên, Hòa Nhơn làm nhiệm vụ trực tiếp trên đường ngoài tiền lương, thưởng theo chế độ còn được UBND TP hỗ trợ thêm 5 triệu đồng/người/tháng (từ ngân sách TP), hưởng 10% tổng số tiền phạt vi phạm, thanh tra giao thông mỗi tháng hỗ trợ 2 triệu đồng. “Bộ phận làm việc trực tiếp ngoài đường được hỗ trợ cụ thể như vậy. Còn đối với bộ phận gián tiếp cuối năm đề xuất lên TP để có hướng giải quyết hỗ trợ thêm” – ông Thanh động viên.
Ngược lại, ông Thanh đặt hàng cho CSGT. “Với mức thu nhập như vậy, nếu biết làm thì mỗi tháng mỗi CSGT có thể có thu nhập hơn chục triệu đồng. Nhưng nếu chỉ cần phát hiện nhận chung chi một vài trăm nghìn đồng thì lập tức bị tước quân tịch, đuổi khỏi ngành, cho về vườn chứ không cần phải theo mức độ nặng nhẹ gì cả. Không có chuyện ưu tiên con gia đình chính sách hay ông này ông nọ mà xử nhẹ” – ông Thanh nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy yêu cầu trong tháng 3 mỗi CSGT phải viết một bản cam kết không nhận tiền hối lộ và luôn nhớ điều đã cam kết. Không chỉ vậy, Công an TP Đà Nẵng còn phải lắp đặt camera giám sát tại các trạm này. Mọi hoạt động của CSGT trong quá trình tiếp tài xế, người dân đều được lưu lại và chuyển về trung tâm chỉ huy của lãnh đạo Công an TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, cũng có thể linh hoạt một số trường hợp cuối năm bồi dưỡng cho CSGT có thể chấp nhận được, nhưng phải công khai mọi khoản.
Tăng quân, mua súng, sắm xe chống cướp
“Cảnh sát chống cướp giật sẽ có đủ điều kiện để làm việc” là lời hứa của ông bí thư với lực lượng cảnh sát chống cướp giật (thuộc Phòng cảnh sát bảo vệ và cơ động Công an Đà Nẵng). Ông Thanh ghi nhận những chiến công của lực lượng này trong việc trấn áp loại tội phạm nguy hiểm. Tuy nhiên, việc lực lượng này sử dụng môtô đồng loạt đã tạo ra hạn chế là tội phạm phát hiện, không còn bí mật nữa. Ông Thanh đề nghị cảnh sát chống cướp giật phải sử dụng những loại xe như người dân bình thường và “nâng cấp” thêm. Vấn đề này liên quan đến ngành giao thông nên ông Thanh đã yêu cầu trợ lý gọi điện ngay cho ông Đặng Việt Dũng – giám đốc Sở Giao thông vận tải (ông Dũng không có trong thành phần họp) – trong mười phút phải đến để cho ý kiến về việc này. Ông Dũng lập tức có mặt và cho biết sẽ cùng Công an TP nghiên cứu cho phù hợp.
Đại diện cảnh sát trật tự và chống cướp giật đề nghị được đầu tư thêm về kinh phí, phương tiện, nhân lực cho phù hợp với tình hình hiện nay. Ông Thanh lập tức đồng ý tăng thêm 20 quân cho lực lượng chống cướp giật, mua thêm súng của Đức và 50 môtô. Trước đề nghị tăng mức hỗ trợ trực, tuần tra cho chiến sĩ từ 50.000 đồng lên 70.000 đồng, ông Thanh quả quyết: “Đã tăng thì tăng lên hẳn 100.000 đồng luôn để đảm bảo đời sống chiến sĩ”. Đầu tư mua ba máy đo độ ồn cho cảnh sát trật tự để chấm dứt tình trạng mỗi lần có việc lại phải đi mượn máy. Ngoài ra, TP sẽ đầu tư mở rộng trại giam Hòa Sơn thêm 5ha. Ngân sách TP mỗi năm dành 3,4 tỉ đồng đầu tư cho lực lượng chống cướp giật sẽ được chia đều cho công an và lực lượng biên phòng.
Theo ông Thanh, việc đầu tư cho lực lượng này không phải do tình hình phức tạp, mà đã tốt rồi nên muốn làm thêm cho tốt hơn. “Chúng ta đang xây dựng TP du lịch, TP đáng sống, vì vậy không thể hô bằng khẩu hiệu. TP đáng sống thì không thể để tội phạm tồn tại, TP du lịch thì không thể có lang thang, xin ăn, chèo kéo du khách được” – ông Thanh khẳng định.
ĐOÀN CƯỜNG