Trung tướng Philippine Juancho Sabban nhận được một cú điện thoại khẩn cấp từ một công ty dầu cho hay, hai tàu của Trung Quốc đã dọa đâm tàu khảo sát của họ. Đáp lại, viên chỉ huy quân sự chỉ đưa ra một thông điệp ngắn gọn nhưng rõ ràng: “Đừng di chuyển, chúng tôi sẽ đến giải cứu”.
Trong vòng vài giờ sau, một chiếc máy bay giám sát, một tàu tuần tra và một máy bay chiến đấu của Philippines đã đến khu vực tranh chấp Reed Bank trên Biển Đông. Khi đó, các tàu Trung Quốc buộc phải rời đi và từ bỏ ý định đuổi theo con tàu khảo sát Veritas Voyager.
USS Independence LCS2
Sự kiện hồi tháng 3 năm 2011 được coi là một bước ngoặt đối với chính quyền của ông Benigno Aquino. Vị Tổng thống Philippines này đã đưa ra lập trường cứng rắn của mình về chủ quyền, tìm kiếm mối quan hệ gần gũi hơn với Washington và đẩy nhanh những nỗ lực hiện đại hóa quân sự.
Một thập kỷ căng thẳng về vấn đề Biển Đông đang bước vào một chương mới đầy tranh cãi, khi một số quốc gia đẩy mạnh tìm kiếm nguồn cung cấp năng lượng trên vùng biển tranh chấp, mặt khác xây dựng lực lượng hải quân của họ và liên minh quân sự với quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ.
Trong vài ngày tới, Tổng thống Philippines Benigno Aquino sẽ tổ chức một cuộc họp nội các khẩn cấp, nộp đơn phản đối chính thức với Trung Quốc và gửi thư ký quốc phòng của ông và Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang tới Bộ tư lệnh phương Tây tham gia một buổi trình diễn sức mạnh.
Bên cạnh đó, Diễn đàn Năng lượng dự kiến sẽ khai mạc trong những tháng tới. Các giám đốc điều hành những công ty hàng đầu cho biết, họ dự định đến Reed Bank trong vòng vài tháng tới đây nhằm tiến hành khoan dầu và khí tự nhiên lần đầu tiên ở khu vực này trong nhiều thập kỷ qua.
Tranh chấp trên biển Đông sẽ tiếp tục nóng trong thời gian tới.?
Đây là một sự kiện có thể châm ngòi cho một khó khăn quân sự mới đối với chính quyền ông Aquino nếu Trung Quốc phản ứng mạnh hơn.
Quân đội Mỹ cũng đã báo hiệu sự trở lại khu vực với các cuộc tập trận quân sự gần Reed Bank với hải quân Philippines dự kiến diễn ra vào tháng 3, bất chấp việc Trung Quốc xem các hoạt động này là sự khiêu khích.
Ông Ian Storey, một nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Singapore cho rằng, “đây sẽ là một phép thử vị trí của Trung Quốc trong vấn đề biển Đông”.
Theo ông, nước này có thể áp dụng chiến thuật tương tự như năm ngoái và quấy rối các tàu hoặc thậm chí, có thể phản ứng mạnh mẽ hơn và điều tàu chiến đến”.
Các nhà phân tích cho rằng, Reed Bank là một trong những điểm nóng trong tranh chấp lãnh hải ở biển Đông và nó có thể buộc Washington phải can thiệp để bảo vệ các đồng minh của mình.
Tổng thống Barack Obama đã tìm cách trấn an các đồng minh khu vực mà Washington sẽ coi như là một đối trọng với Trung Quốc mới quyết đoán. Đây cũng là một phần trong chiến dịch của ông nhằm “chuyển” hướng chính sách đối ngoại của Mỹ tập trung vào châu Á sau một thập kỷ chiến tranh ở Iraq và Afghanistan.
Các công ty hàng đầu dự định đến Reed Bank trong vòng vài tháng tới nhằm tiến hành khoan dầu và khí tự nhiên.
Ông Obama đã đưa ra vấn đề Biển Đông trong một hội nghị thượng đỉnh châu Á-Thái Bình Dương tại Bali cuối tháng 11 năm ngoái mặc dù Bắc Kinh đã yêu cầu không quốc tế hóa vấn đề tranh chấp trên Biển Đông.
Stephanie Kleine-Ahlbrandt, Giám đốc dự án Đông Bắc Á thuộc nhóm nghiên cứu Khủng hoảng quốc tế bình luận: “Khi một số các quốc gia ở châu Á ủng hộ Mỹ để nhận được hỗ trợ, Bắc Kinh ngày càng lo ngại rằng nước Mỹ muốn cô lập Trung Quốc cả về quân sự và ngoại giao”.
Mỹ và Philippines dự kiến sẽ tiến hành tập trận ở vùng biển ngoài khơi đảo Palawan vào cuối tháng 3 với mục tiêu tập trung vào việc làm thế nào để đối phó với các rắc rối phát sinh trong quá trình tiếp quản giàn khoan dầu trong vùng biển này.
Hải quân Mỹ đã công bố sẽ điều tàu tác chiến ven bờ USS Independence LCS2 – loại tàu tối tân nhất của hải quân nước này tới “ngã ba đường hàng hải” khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đóng tại Singapore và có thể ở Philippines.
Ngọc Huyền (Theo Reuters , Giaoduc) - http://thutuongnguyentandung.net/reuter-philippines-cung-ran-bien-dong-se-nong-tro-lai-trong-thang-3.html