Tuy nhiên, những sai phạm của các cá nhân, của một số cổ đông không hiểu vì sao cho tới nay chưa được xử lý. Ví dụ: Vi phạm nghiêm trọng Điều 55 khoản 3, Luật Các Tổ chức Tín dụng. Điều này quy định, cổ đông và người có liên quan cổ đông đó không được sở hữu quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Trong khi đó, cổ đông Nguyễn Thị Kim Thanh, là vợ của ông Đặng Thành Tâm và người có liên quan là anh, chị, em ruột… sở hữu 35,78% vốn điều lệ của Ngân hàng Phương Tây.
Ông Đặng Thành Tâm ôm 600 tỉ đi đâu? |
Ông Đặng Thành Tâm hiện là Chủ tịch hoặc thành viên HĐQT hàng loạt công ty và đang là đại biểu Quốc hội. Ngân hàng Phương Tây đã không thể cung cấp sao kê tài khoản cá nhân ông Đặng Thành Tâm cho thanh tra Ngân hàng Nhà nước vì lý do ông Đặng Thành Tâm bất hợp tác, xưng danh đại biểu Quốc hội được quyền bất khả xâm phạm. Ông Tâm quên mất rằng Điều 58 của Luật Tổ chức Quốc hội chỉ cho phép Đại biểu được quyền miễn trừ trước các cơ quan tố tụng khi được sự chấp thuận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Còn các hoạt động kinh doanh cá nhân, ông phải có nghĩa vụ thực thi các quy định của luật pháp, thậm chí phải thực hiện nghiêm túc hơn người bình thường. Vì sao ông Tâm phải “núp” sau Điều 58, không dám minh bạch hóa con đường đi của hơn 650 tỉ đồng? Phải chăng số tiền này được dùng vào những hoạt động mờ ám nào khác?
Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, mọi hoạt động kinh doanh tài chính ngân hàng phải được minh bạch. Bất kể người nào vi phạm luật pháp đều bị xử lý nghiêm minh. Hi vọng các cơ quan pháp luật không bỏ qua những sai phạm và khuất tất nghiêm trọng này.
Trích: Luật Tổ chức Quốc hội số 30/2001/QH10, đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 25 tháng 12 năm 2001
…
Điều 58
Không có sự đồng ý của Quốc hội và trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì không được bắt giam, truy tố đại biểu Quốc hội và không được khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội. Việc đề nghị bắt giam, truy tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Nếu vì phạm tội quả tang mà đại biểu Quốc hội bị tạm giữ, thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xét và quyết định.
Trong trường hợp đại biểu Quốc hội bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đó.
Đại biểu Quốc hội bị Tòa án kết án thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Đại biểu Quốc hội không thể bị cơ quan, đơn vị nơi đại biểu làm việc cách chức, buộc thôi việc, nếu không được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý.
Theo Petrotimes