Trong hơn một năm gần đây, cứ thỉnh thoảng vài ba tháng lại có một quan chức nhà nước, thậm chí cả đại biểu cơ quan dân cử...có vấn đề yếu kém gì trong các lĩnh vực quản lý của nhà nước là lại lôi vấn đề dân trí hoặc đổ tiếng xấu cho số đông người dân.
Tất nhiên, điều này luôn gây nên những phản ứng gay gắt ngay từ những người có trách nhiệm trong bộ máy nhà nước, phần lớn những người đại diện cho cử tri và đông đảo người dân bởi sự thiếu chín chắn, thiếu cân nhắc của những người phát ngôn.
|
Đây có thể nói một nhận định khá "kỳ lạ". Và đương nhiên, nó gặp ngay phản ứng. Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đã nói ngay sau khi báo cáo đọc xong: " Dân không bao giờ muốn bỏ tiền nhà đi đút lót, vì các ông đòi ăn nên dân mới phải đút". Thẳng thắn hơn nữa, ông nói: "Không nên nhận định người dân tiếp tay cho tham nhũng, sẵn sàng bôi trơn. Chỉ vì các ông tham nhũng buộc người dân đưa hối lộ thì người dân mới đưa cho ông".
Cũng vì cái lý lẽ đó, tại buổi hội thảo của Viện Nghiên cứu lập pháp về sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng mới đây, ông Trần Đức Lượng, phó tổng thanh tra Chính phủ nói rằng: "Thực tế hiện nay có những trường hợp đưa hối lộ do bị gợi ý, ép buộc nhưng vì sợ ảnh hưởng đến công việc, quyền lợi của mình nên buộc phải chấp nhận. Tuy nhiên, nếu sau đó người đưa hối lộ tố cáo thì lại có thể bị truy tố vì tội đưa hối lộ. Quy định hiện hành thực chất đặt người đưa hối lộ và nhận hối lộ vào thế cùng thuyền". Cho nên, rất có lý khi ông này đề xuất: "Bổ sung quy định xem xét giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý đối với người đã đưa hối lộ do bị ép buộc nhưng chủ động khai báo" vào dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) lần này.
Trả lời phỏng vấn của báo Thanh niên (báo đăng ngày 25.8.2012), một quan chức ngành ngân hàng nói rằng: "Do dân trí, tập quán ở Việt Nam chưa cao như ở một số nước. Rất nhiều người dân hiện nay đi gửi tiền nhưng cũng không để ý đó là ngân hàng tốt hay xấu. Có khi chỉ vì ngân hàng này ở ngay đầu ngõ nhà mình nên mang tiền đến gửi cho thuận tiện. Nên cách làm của chúng tôi là tái cấu trúc từ bên trong để ngân hàng lành mạnh lên...". Mặc dù câu nói của ông không trực tiếp nói rằng dân trí thấp nhưng cũng đã gây nên phản ứng rộng rãi trên cộng đồng mạng.
Nhiều ý kiến cho rằng, phát biểu của ông cũng chưa chín chắn bởi trên thực tế, nhìn vào lượng tiền gửi ở các tổ chức tín dụng, người ta cũng tin rằng, đa số người dân cũng đã biết chọn mặt gửi... tiền, khi chủ yếu gửi tiền vào những ngân hàng có uy tín, tình hình tài chính lành mạnh. Cho nên, ông lại viện đến câu: dân trí Việt Nam chưa cao nhưng một số nước quả thật là phát biểu rất thiếu cân nhắc.
Còn trước đó, ý kiến chỗ này, chỗ kia đổ cho dân trí thấp cũng không phải là ít. Bên lề phiên họp Quốc hội ngày 17.11.2011, đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước khi trả lời báo chí đã nói rằng: "Khi nào trình độ dân trí cao hơn và kinh tế ổn định hơn thì mới có thể ban hành Luật biểu tình". Hàm ý của câu nói này khá rõ ràng nên cũng nhanh chóng vấp phải những phản ứng mạnh mẽ trong dư luận. Bởi ngay chính trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội khác khi thảo luận về vấn đề này đã ủng hộ đề xuất của Chính phủ là cần xây dựng luật Biểu tình. Thế thì, hà cớ gì đại biểu Hoàng Hữu Phước lại cho rằng, trình độ dân trí Việt Nam chưa cao để xây dựng dự án luật Biểu tình?
Nhưng ở chiều ngược lại, cũng có lúc, có người lạm dụng đánh giá trình độ dân trí, cho rằng chỉ số IQ của dân cao để bảo vệ quan điểm của mình mà không có căn cứ cũng không được sự ủng hộ của cử tri. Ví dụ như trong buổi thảo luận về việc xây dựng đường sắt cao tốc Bắc-Nam tại một phiên họp của Quốc hội trước đây, đại biểu Quốc hội Trần Tiến Cảnh (Hà Nam) cũng khiến ngay chính nhiều đại biểu Quốc hội ngạc nhiên khi ông nói: "Các nước có chỉ số IQ cao đều xây đường sắt cao tốc. Ra nước ngoài tôi đi thử rồi. Tốc độ nhanh, an toàn, trẻ em đi học, bà mẹ đi làm... Việt Nam không phải nước nghèo, với quyết tâm chính trị, tôi đề nghị phải xây".
Tất nhiên, không phải lúc nào khi đưa ra những nhận xét về dân trí, về tính cách người Việt... những tổ chức, cá nhân đưa ra nhận định cũng đều bị phản đối. Báo Tiền Phong đã từng đăng loạt bài, in thành sách (bán khá chạy) về những thói xấu của người Việt . Nhưng đó là kết quả của một quá trình thảo luận, tranh luận công khai có sự tham gia, đồng tình của đông đảo những người quan tâm, của các nhà nghiên cứu...và người ta có thể rút ra, đồng tình với nhau về một số hạn chế dễ thấy của người Việt Nam, để cùng nghĩ cách khắc phục, tiến bộ.
Nhưng, ở những trường hợp như trên, có thể thấy điểm chung của chúng là những nhận định, suy xét tùy tiện; lạm dụng đánh giá về trình độ dân trí, thói quen của người dân để biện hộ, bảo vệ cho những luận điểm, những công việc làm chưa tốt của cơ quan phát ngôn, người phát ngôn ra những đánh giá đó; thậm chí, để nhằm bảo vệ cho những dự án, cho những việc phục vụ cho lợi ích riêng của một nhóm, một tổ chức...mà không vì lợi ích chung của cộng đồng. Chính vì vậy, trong một số trường hợp, phản ứng từ dư luận rất gay gắt. Và thậm chí, đã có cá nhân khi phát biểu không đúng về người dân đã phải xin lỗi công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Điều đó đủ cho thấy, việc đưa ra ý kiến đánh giá, nhận định về trình độ, kiến thức, thói quen...của số đông luôn phải thận trọng, chính xác đến thế nào.
Còn nhớ, trước đây, vì "lỡ miệng" nói rằng: "Tôi thấy nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm" (ông đưa ra nhận xét như vậy trong đợt mưa lụt nặng nề ở Hà Nội tháng 11.2008), một vị lãnh đạo đã phải công khai nói lời xin lỗi: "Tôi thực sự lấy làm tiếc và muốn chân thành xin lỗi bạn đọc, xin lỗi mọi người". Việc ông đưa ra lời xin lỗi chân thành, đúng lúc lúc đó lại được người dân chấp nhận và coi là một cách ứng xử khôn ngoan, văn minh.
Ông cha ta vẫn có câu "phải uốn lưỡi 7 lần trước khi nói" hàm ý phải rất thận trọng trong lời ăn, tiếng nói. Nhất là trước đám đông, một chính trị gia, một cán bộ có trách nhiệm của nhà nước...càng phải thận trọng, không nên coi đó là nơi để mình "tập nói". Ở nước ngoài, đã có không ít chính khách chỉ vì lỡ miệng mà phải từ chức, xin lỗi công khai... Việt Nam tuy hiếm xảy ra trường hợp như thế nhưng cũng không có nghĩa là không có sức ép lớn để các tổ chức, cá nhân... nhất là những người có thẩm quyền trong bộ máy nhà nước có trách nhiệm với lời ăn tiếng nói của mình, đặc biệt là khi nói về dân trí, thói quen, sở thích...của người dân.