Cách đây vài ngày, Huyện ủy huyện Giồng Trôm (Bến Tre) ra quyết định cách chức ủy viên thường vụ, phó bí thư Đảng ủy xã đối với ông Cao Minh Nghị - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Thuận Điền, vì đánh đập mẹ già.
Ông Nghị bị cách chức vì trong thời gian dài đối xử tàn nhẫn, thậm chí đánh đập mẹ ruột. Việc mất chức của ông phó bí thư xã này đáng lẽ cần làm sớm hơn vì trước đó, ông Nghị đã bị kỷ luật cảnh cáo về hành vi ngược đãi với mẹ ruột. Ông Nghị còn có lời thô tục đối với người dân lối xóm. Tổ nhân dân tự quản và chi bộ nơi ông cư trú đã nhiều lần phê bình, nhưng nhưng ông vẫn chứng nào tật nấy, đặc biệt những lúc “quá chén”.
|
Một bạn đọc khác bức xúc: “Tại sao một con người bất nhân, vô lương tâm như vậy lại có thể trở thành một cán bộ lãnh đạo, một đảng viên? Cần phải khai trừ những con người bất hiếu đó ra khỏi Đảng, ra khỏi vị trí lãnh đạo”…
Thế nhưng, cách xử lý của Huyện ủy huyện Giồng Trôm đang bị dư luận cho rằng cố tình bao che cho hành vi bất nghĩa của ông cán bộ xã này. Huyện ủy huyện Giồng Trôm nhận định, ông Nghị đã có hành vi vi phạm về tư cách của người cán bộ đảng viên, vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm. Nhưng khi nói đến việc xử lý thì cho biết sẽ chuyển ông Nghị sang công tác ở lĩnh vực khác(!?).
Trong khi các cấp ủy Đảng từ Trung ương tới cơ sở triển khai việc tự phê bình và phê bình thẳng thắn... theo tinh thần của Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng”, thì việc một phó bí thư Đảng ủy xã đánh đập mẹ già mà mới chỉ dừng lại ở mức kỷ luật cách chức là chưa thỏa đáng.
Câu chuyện ông phó bí thư Đảng ủy xã mất chức vì bất hiếu đã làm nóng dư luận trở lại. Vì cách đây chục ngày (ngày 7.9), một ông cụ già 87 tuổi ngay sau khi vừa xuất viện bị các con “vứt” ra ngoài vỉa hè trước cửa ngôi nhà số 11 phố Núi Trúc, Hà Nội nằm phơi nắng, phơi mưa gần 1 ngày trời đã khiến cho dư luận hết sức phẫn nộ
|
Lý do mà người cha bị vứt bỏ nằm ngoài hè đường không gì khác là việc các con của ông muốn tranh chấp ngôi nhà mặt phố.
Nhưng có lẽ đau xót hơn là cả 4 người con của cụ đều được ăn học đàng hoàng, đều thành đạt và hiện đang làm ở các cơ quan nhà nước. Người con gái lớn của ông từng là y tá trưởng ở một bệnh viện trung ương, chồng là giảng viên trường đại học. Hai người con còn lại đã làm tới chức trưởng phòng của một công ty.
Vậy mà những người con đó đã nhẫn tâm đặt cha đẻ của mình nằm trên vũng nước vỉa hè, phơi mưa, phơi nắng hơn 10 tiếng đồng hồ. Đó là một hành động bất hiếu đáng xấu hổ và cần phải lên án mạnh mẽ.
Hai câu chuyện trên như vết dao găm vào tim mỗi con người có lương tri. Những vị cán bộ đó đối xử tàn tệ với chính cha mẹ ruột của mình thì sao có thể làm được những việc tốt cho xã hội?
Có lẽ sẽ không có lời răn dạy nào sâu sắc hơn bằng hành động hiếu nghĩa với cha mẹ. Để tìm cái kết cho bài viết này, chúng tôi muốn kể lại câu chuyện PGS toán học nổi tiếng Văn Như Cương râu tóc bạc phơ cõng mẹ già đi chơi đầy cảm động. PGS Văn Như Cương đã bày tỏ nỗi lòng của mình trong bài thơ “Cõng mẹ đến nhà thờ họ Văn”: “Con cõng mẹ bất ngờ thấy mẹ nhẹ tênh/ Nhưng bất ngờ hơn là mẹ sợ chân con mỏi” – đó là những câu thơ chan chứa tình mẫu tử.
Thanh Tâm (lao động)