Bây giờ ở khu vực thị trấn Đức Hòa (Huyện Đức Hòa, Long An), nhiều người lớn tuổi vẫn còn nhớ rõ thầy giáo dạy sử Tư Sang ở trường Trung học Tư thục Tri Tân vào những năm cuối thập niên 1960, dù ngôi trường ấy bây giờ không còn.
|
Bụi đỏ đường vào nhà thầy Tư Sang
Rời thị trấn Đức Hòa, tôi đi theo con đường hương lộ trải nhựa về xã Mỹ Hạnh Nam. Hầu như người dân nào cũng có cùng lời chỉ dẫn: “Tới cống Bảy Quan quẹo vô nhà thầy Tư Sang”. Tôi cứ ngỡ con đường vào nhà ông đã được trải nhựa hoặc đổ bê tông khang trang. Nhưng không, đoạn đường liên xã Mỹ Hạnh Nam – Mỹ Hạnh Bắc dài khoảng 1km dẫn vào nhà ông (ấp Giồng Lớn – xã Mỹ Hạnh Nam) vẫn mù bụi đỏ.
Từ đường liên xã, cũng một con đường đất đỏ nhỏ hơn dài khoảng 100m dắt vào nơi ông Tư Sang đã sinh ra và lớn lên, cũng là nơi thờ phụng ông bà, cha mẹ ông hiện nay. Ngôi nhà nhỏ xây tường lát gạch bông, cất theo lối chữ Đinh vốn thịnh hành vào thập niên 1950, không khác gì bao nhà dân xung quanh. Khu vườn rộng trồng nhiều cây trái. Trong nhà các vật dụng hầu hết còn giữ lại từ thuở mới cất nhà (năm 1958), như: Hai bộ ván gõ, bàn nước, tủ thờ….
Ông Trương Văn Minh (Ba Minh) – anh ruột ông Tư Sang kể: “Khi chú Tư bị bắt đày đi Phú Quốc, rồi trao trả ra Bắc, ba tui ở nhà bệnh nặng rồi qua đời năm 1974. Trước khi qua đời, ông già có viết di chúc để lại ngôi nhà này cho chú Tư. Sau ngày miền Nam giải phóng chừng 1 tháng, chú Tư từ Hà Nội về đứng bất động thật lâu trước mộ cha. Sau đó chú Tư giao ngôi nhà cho tui ở, nhưng yêu cầu giữ nguyên tất cả những kỷ vật của cha để lại. Kể cả cái bàn nước mặt đá mài bị giặc đập nứt cũng còn giữ nguyên”.
Theo hướng dẫn của ông Ba Minh, tôi đi ra khu mộ chôn cất ông bà, cha mẹ ông. Khu mộ đất đắp cao nằm giữa khu ruộng nhà trồng lúa. Các nấm mộ đều đắp đất, mộ bia đẹp, có in hình người quá cố. Các góc và viền mộ được làm bằng đá ong.
Ông Ba Minh cho biết, các anh em ông quan niệm cần giữ nguyên hiện trạng mộ người xưa để lại, chỉ chăm sóc, trồng thêm hoa… Trong khu vườn nhà có 3 cây vú sữa và 2 cây xoài cổ thụ cũng được trồng từ thập niên 1950. Hàng ngày ông Ba Minh chăm sóc, tưới nước, bón phân cho cây trái luôn xanh tốt, ra trái xum xuê.
Tính của chú Tư
Ông Ba Minh cho biết, tại ngôi nhà này ông và ông Tư Sang đã sinh ra và lớn lên. Ông Ba Minh học hết lớp Nhứt (lớp Năm ngày nay), còn Tư Sang nhờ chí thú học hành mà cha mẹ cho học tới tú tài 1 rồi thi vô sư phạm, ra trường về dạy ở trường Trí Tín. Ông Ba Minh cũng thoát ly đi kháng chiến, làm ở Quân y, rồi Binh vận tỉnh, sau hòa bình về công tác ở xã trước khi nghỉ hưu về nhà làm nông dân. Nhìn ông không khác gì bao nông dân vùng quê Nam bộ.
Dù đã ngoài 70 tuổi, hàng ngày ông vẫn ra đồng làm ruộng hoặc chăm sóc đàn ngựa nuôi bán cho trường đua. Ông có 10 người con, trong đó có vài người làm trong các cơ quan nhà nước, còn lại làm ăn bên ngoài hoặc ở quê nhà sống nghề nông.
Ông cho biết, do biết “tính của chú Tư”, cha con ông không bao giờ nhờ cậy xin việc làm, mà tự thân vươn lên trong cuộc sống. “Chú Tư thường động viên, hướng dẫn các cháu trong học hành, phấn đấu, chứ không tạo tâm lý ỷ lại nơi con cháu. Thấy chú Tư được Đảng và nhân dân giao trọng trách quốc gia là tui vui rồi. Người trong gia đình phải phấn đấu để chú ấy an lòng mà gánh vác việc lớn, không nên làm chú bận tâm vì những chuyện nhỏ” – ông Ba Minh nói.
Chia tay ông Ba Minh, tôi tìm đến ấp Trầm Lạc – xã Mỹ Hạnh Bắc (Đức Hòa) thăm người em gái út của ông – bà Trương Thị Cái. Ngôi nhà nằm heo hút trong con đường đất nhỏ. Giống như ông Ba Minh, bà Cái cũng đông con (8 người).
Bà cho biết, những năm chiến tranh và sau ngày giải phóng, vì điều kiện khó khăn nên các con bà ít học, hầu hết đều sống bằng nghề nông, gắn bó với quê hương. Bà nói: “Con mình ít học, nếu nhờ anh Tư xin việc thì khó xử cho ảnh, nên tự tụi tui lo, để ảnh an tâm mà lo việc nước”.
Trước đây vì đông con, ít ruộng nên gia đình bà Cái sống khó khăn, nay theo đà phát triển kinh tế của huyện nhà, vợ chồng bà đã xây được nhà tường trị giá 400 triệu đồng. Dù đã ngoài 60 tuổi và bị bệnh thận, hàng ngày bà vẫn ra đồng trồng bắp. Bà nói: “Mới cất được nhà mới, tết này mời anh Tư tới xông đất”.
Tình quê
Ông Lê Thanh Tâm – nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An – cho biết, dù bận bịu thế nào thì đến ngày giáp tết ông Trương Tấn Sang cũng về thăm lãnh đạo tỉnh Long An, thăm các cán bộ cách mạng lão thành, các Mẹ VNAH tiêu biểu trong tỉnh.
Thỉnh thoảng ông cũng đến thắp nhang ở tượng đài Võ Văn Tần – nguyên Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, bị giặc Pháp hành hình trong Nam Kỳ khởi nghĩa. Sau đó ông về nhà viếng mộ, thắp nhang cho ông bà, cha mẹ. Mỗi lần có phái đoàn Long An đi họp Quốc hội hoặc dự đại hội ở Hà Nội, ông đều mời về nhà dùng cơm thân mật.
Trong các lần như thế, ông luôn quan tâm, gợi ý cách để tỉnh Long An phát triển nhanh theo hướng công nghiệp hóa.
Ông Út Thảo, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Đức Hòa thì tâm đắc việc ông Tư Sang luôn quan tâm đến chuyện khuyến học, khuyến tài đối với học sinh trong huyện. Gia đình ông Tư Sang thường xuyên góp phần có ý nghĩa trong việc vận động xây trường, trao học bổng cho các học sinh nghèo. Nhờ đó mà phong trào khuyến học và chất lượng học sinh tốt nghiệp THPT huyện Đức Hòa luôn đi đầu trong toàn tỉnh. Ở Đức Hòa có nhiều ngôi trường xã hội hóa trị giá hàng chục tỉ đồng như Trường THCS Thi Văn Tám, trường THPT Tân Đức…
Cũng ông Lê Thanh Tâm cho biết, ông chưa thấy ông Trương Tấn Sang khi đã giữ trọng trách quốc gia mà kéo người Long An lên các vị trí lãnh đạo. Ông Tâm nói: “Anh Tư Sang rất yêu quê hương, yêu theo cách của ông, ông luôn động viên và tạo điều kiện để mọi người xây dựng quê hương giàu đẹp, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh”.
Xem thêm: Nguyễn Tấn Dũng , Trương Tấn Sang, Trần Đại Quang