Sau phiên chất vấn các thành viên Chính phủ, ông Lê Thanh Vân, Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, UV thường trực UB Tài chính - Ngân sách của Quốc hội xung quanh vấn đề tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản và phân bổ hợp đồng kinh tế.
|
Ông Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực UB Tài chính – Ngân sách Quốc hội. | |
| |
|
PV: Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi sắp được đưa ra biểu quyết thông qua tại kỳ họp lần này. Cá nhân ông nghĩ sao về những nội dung mới trong Dự thảo Luật lần này?
Đại biểu Lê Thanh Vân: Sở dĩ Luật Phòng, chống tham nhũng phải sửa đổi lần này, là do công tác phòng, chống tham nhũng được đánh giá là vẫn chưa đạt yêu cầu. Tham nhũng còn nghiêm trọng, có biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc trong xã hội. Cá nhân tôi, thực ra tôi còn đôi chút băn khoăn về đối tượng tham nhũng.
Có nhiều trường hợp cấp dưới tháp tùng thủ trưởng đi công cán, đã lợi dụng uy tín, ảnh hưởng của lãnh đạo cố tình gây nhũng nhiễu, yêu cầu cơ sở này nọ, thậm chí vật chất để làm lợi cho bản thân. Chúng ta phải xử lý trường hợp trên như thế nào, cho dù đối tượng đó không hề có chức vụ, nhưng họ gần kề với những người có chức vụ và lợi dụng ảnh hưởng đó trục lợi cá nhân?!
Lâu nay, báo chí và dư luận có đề cập đến cụm từ “tham nhũng vặt”, để nhắm tới những hành vi nhũng nhiễu, “hành là chính” ở những bộ phận quan liêu, là loại tham nhũng diễn ra hàng ngày. Như vậy, đối tượng tham nhũng không hẳn chỉ là người có chức có quyền.
PV: Với tư cách là UV thường trực UB Tài chính – Ngân sách Quốc hội, xin ông cho biết bằng những cơ chế chính sách tài chính có thể đóng góp gì cho công tác phòng, chống tham nhũng?
Đại biểu Lê Thanh Vân: Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội là cơ quan do Quốc hội bầu ra, có nhiệm vụ giúp việc cho Ủy ban thường vụ Quốc hội, thẩm tra những Dự án, báo cáo, đề án trình Quốc hội; và giám sát việc tổ chức thi hành pháp luật. Một mặt Ủy ban bảo đảm tham mưu, đề xuất qua hoạt động thẩm tra, tạo được rào cản chặt chẽ, làm sao để bằng cơ chế, chính sách ngăn chặn hiện tượng tham nhũng.
Ví dụ như trong nhiều Nghị quyết giải pháp về tài khóa, Ủy ban TC-NS đưa ra đề xuất triệt để áp dụng đầu tư tập trung, không giàn trải. Khi thắt chặt đầu tư công, nguồn vốn bị thu hẹp nhưng nhiều ngành, địa phương cứ “bôi” ra Dự án để ăn phong bì, lại quả, hoa hồng. Cách dồn lại tập trung cũng là để tạo sức mạnh đầu tư dứt điểm từng công trình an sinh xã hội, tránh lãng phí, và cũng để ngăn chặn tham nhũng.
Trong giám sát, Ủy ban còn tổ chức nhiều đoàn công tác với mục tiêu tìm ra những kẽ hở, những cơ chế tài chính ngân sách riêng của doanh nghiệp, địa phương mà trái quy trình, quy định, pháp luật. Tuy nhiên, những giải pháp của Ủy ban thường mang tính vĩ mô, cảnh báo ở trên tầm chính sách để rào cản, ngăn chặn, hạn chế đến mức tối đa tình trạng tham nhũng.
PV: Với lĩnh vực xây dựng cơ bản, có cách nào để đánh giá chính xác nguy cơ tham nhũng không, thưa ông?
Đại biểu Lê Thanh Vân: Tôi đồng ý xây dựng cơ bản đang là lĩnh vực nhạy cảm, nhức nhối nhất hiện nay. Tham nhũng có thể xuất hiện qua việc ký kết hợp đồng, qua đấu thầu và qua thi công. Như vậy, chúng ta có thể nhìn thấy cả 3 công đoạn từ chạy vốn, chạy Dự án; đến “quân xanh, quân đỏ” trong mở thầu và cuối cùng là gian lận, bớt xét khi thi công, giám sát thi công.
Với công đoạn thứ nhất, anh phải đánh giá một cách công khai, minh bạch trong việc lựa chọn công trình nào mang lại hiệu quả xã hội cao nhất, phục vụ một bộ dân cư nhất định để phân bổ vốn. Lâu nay, chúng ta “có vẻ” như đang khép kín quy trình này. Người có thẩm quyền quyết định và phân bổ vốn với người đề xuất công trình, Dự án dường như chưa được công khai, minh bạch. Vấn đề là công trình, Dự án đó nằm trong chuỗi phát triển nào của một vùng, địa phương, và ai quyết định nó, là tập thể hay cá nhân cũng phải chịu trách nhiệm trước cơ quan giám sát mình hoặc cao hơn là pháp luật. Phải có cam kết rõ ràng, tác động đến đâu, chất lượng đến đâu, hiệu quả đến đâu? Thậm chí khi Dự án triển khai không hiệu quả, trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm tài chính và trách nhiệm hành chính... chứ không phải trách nhiệm chung chung.
Ở công đoạn đấu thầu, lâu nay chúng ta cũng chỉ... có vẻ công khai. Có bên nọ, bên kia, quân xanh – quân đỏ, nhưng ở sau cánh gà, tất cả đã thỏa thuận, đi đêm với nhau chia chác một phần lợi nhuận mất rồi. Để hạn chế, chúng ta nên nghiên cứu đưa đấu thầu điện tử vào thực hiện, để loại bớt tiêu cực ra khỏi công đoạn này. Đến “vòng chung kết”, một Hội đồng phản biện được giấu kín đến phút cuối, bất ngờ xuất hiện để “chất vấn” nhà thầu xung quanh thiết kế, phương án thi công, phân loại vật liệu xây dựng...
Tổ chức thi công trong lĩnh vực xây dựng, đặc biệt là các công trình sử dụng vốn Nhà nước thì họ có thể ăn bớt khối lượng, cơ cấu vật liệu... tác động trực tiếp đến chất lượng cuối cùng.
PV: Vấn đề thi công từng gây bức xúc trong dư luận, bởi chất lượng công trình dân dụng kém, nếu suy rộng ra còn có thể nguy hiểm đến tính mạng của nhân dân. Ông nghĩ sao về công đoạn này?
Đại biểu Lê Thanh Vân: Chỉ bằng cách giao cho 2 đối tượng: doanh nghiệp đứng ra tổ chức thi công và giám sát thi công (ràng buộc pháp lý và chịu trách nhiệm chính-PV). Thậm chí giám sát thi công phải chịu trách nhiệm cao hơn trước pháp luật, và trách nhiệm đó có thể bị truy cứu trong một thời gian nhất định, chứ không phải chỉ sau khi nghiệm thu là phủi tay. Có thể 5 -10 năm sau, tùy chất lượng công trình mà có thể truy cứu trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự hoặc thậm chí trách nhiệm hình sự với đơn vị giám sát sai qui trình.
Việc san lấp nền đường cũng là một nội dung nhậy cảm trong thi công xây dựng cơ bản. Lập dự án khả thi cho một cung đường, đặc biệt là với những cung đường trên địa bàn phức tạp, đòi hỏi có rào cản chặt chẽ về kỹ thuật. Đây hoàn toàn là vấn đề chuyên môn của các nhà khoa học. Tôi có đi khảo sát thi công đường vành đai biên giới (Đường Trường Sơn Đông), có những đoạn địa hình vô cùng hiểm trở, tà âm cực kỳ phức tạp. Việc xác định khối lượng thi công, vận chuyển vật liệu xây dựng và trang thiết bị lên tới đó đều vô cùng khó khăn, vất vả. Do đó, bên cạnh những biện pháp cụ thể, một vài tình huống đặc biệt cũng cần phải có cơ chế đặc biệt để tháo gỡ cho nhà thầu.
PV: Nếu phát hiện tham nhũng ở cơ sở, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Có ý kiến cho rằng cơ chế trên sẽ tạo ra hiện tượng bao che. Ông nghĩ sao về quan điểm trên?
Đại biểu Lê Thanh Vân: Để tránh trường hợp liên đới đến mình, người thủ trưởng đơn vị không có cách nào ngoài việc thường xuyên giáo dục, nhắc nhở CNCNV của mình thường xuyên, liên tục. Kỷ cương, trật tự và việc tuân thủ pháp luật là việc cơ bản mà không thực hiện được thì rất khó có thể hoàn thành các mục tiêu sản xuất kinh doanh khác.
Chúng ta đang từng bước xây dựng nền hành chính theo chế độ một thủ trưởng. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng xuống đến cấp dưới nữa thì không nên truy cứu trách nhiệm của người đứng đầu. Chỉ nên truy cứu trách nhiệm lãnh đạo cấp trực tiếp nếu đối tượng tham nhũng bị phát hiện trong cơ quan Nhà nước. Riêng với động tác bao che, có lẽ chỉ bằng sinh hoạt dân chủ, mọi thành viên trong đơn vị đều có quyền lên tiếng, đấu tranh thì thủ trưởng cũng khó có cơ hội, hoặc nhận thức rõ ràng hậu quả nếu mình bao che các đối tượng tham nhũng.
PV: Việc hợp thức hóa thông qua hoa hồng, lại quả ... được quy định rõ trong pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế điều này cũng là khu vực dễ gây ra tình trạng tham nhũng nhất. Ông có suy nghĩ gì trước vấn đề này?
Đại biểu Lê Thanh Vân: Trong thời bao cấp, hành vi môi giới, cò mồi bị xã hội lên án ghê gớm. Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường chúng ta phải chấp nhận điều này, coi đó là phần khích lệ trong gia tăng giá trị và xúc tiến thương mại. Vấn đề là làm sao ngăn chặn đối tượng lạm dụng cơ chế này để rửa tiền thông qua hành vi tham nhũng (tiền không nguồn gốc).
Có hai vấn đề cần phải làm rõ. Thứ nhất, xác định giá trị hợp đồng, phải đích thực chứ không phải bằng cơ chế cấp vốn, theo từng gói thầu. Chia tỉ lệ hoa hồng sát với giá trị Dự án, giá trị công trình, hợp đồng.
Thứ hai, làm sao ngăn chặn mối quan hệ giữa người quyết định công trình với người môi giới. Trên thực tế, một màn kịch có thể được dựng lên. Người quyết định cấp vốn, người được chỉ định thi công cùng chơi với người thứ ba, thì người thứ ba đó hoàn toàn có thể trở thành môi giới, bất chấp môi giới không có chuyên môn và hiểu biết trong lĩnh vực đang cần đầu tư. 1 tỉ đồng bị nâng lên thành 2 tỉ đồng là mọi việc đã trở nên khác biệt, với cả số hoa hồng lẫn ngân sách bị bòn rút.
Nói tóm lại, vấn đề công khai minh bạch và dân chủ vẫn là quan trọng nhất trong nỗ lực của toàn hệ thống chính trị phòng, chống tham nhũng.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Xem thêm:
Nguyễn Tấn Dũng ,
Trần Đại Quang