Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, vẫn có thể tăng lương vào năm 2013 |
Trước những vấn đề “nóng” đại biểu Quốc hội đặt ra trong phiên thảo luận ngày 31-10 về tình hình KT-XH, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhận trách nhiệm về việc có nhiều thông tin chưa đầy đủ và chính xác gây bất ổn trên thị trường vàng. Còn Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết vẫn có thể tăng lương vào năm 2013, nhưng chỉ bố trí được nguồn để tăng… chút xíu.
Chống “vàng hóa” nền kinh tế
Giải trình các vấn đề liên quan đến thị trường vàng thời gian qua, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, theo đánh giá chưa đầy đủ thì nền kinh tế có 300 - 400 tấn vàng, tương đương 15 - 20 tỷ USD bị chôn chặt vào vàng. Thực hiện đề án chống "vàng hóa", Chính phủ đã ban hành một số chính sách quan trọng, trong đó có Nghị định 24 và đã có kết quả ban đầu. Từ tháng 5-2012 trở lại đây giá vàng bên ngoài và trong nước chênh nhau khá lớn, nhưng không còn hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng, tỷ giá hoàn toàn ổn định. Ngay lúc Quốc hội đang họp, giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới 3 triệu đồng nhưng tỷ giá vẫn hạ. Như vậy, mục tiêu ban đầu đã đạt kết quả rất có ý nghĩa quyết định, tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế đã được chặn đứng, từ tháng 5 đến nay, ngân hàng đã mua lại 60 tấn vàng và mua 10 tỷ USD từ đầu năm đến nay để tăng thanh khoản và góp phần giảm lãi suất.
Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã tạo “điểm nhấn” trong phần phát biểu giải trình của mình bằng việc “xin nhận khuyết điểm” về những bất cập trong quản lý thị trường vàng, công tác tuyên truyền, giải thích chưa rõ gây hiểu nhầm liên quan đến sự độc quyền vàng miếng SJC. Ông Bình tái khẳng định: Từ 25-5, kể cả SJC cũng đã chấm dứt dập vàng miếng, chỉ có NHNN thực hiện độc quyền nhà nước dập vàng miếng và chọn SJC làm mác độc quyền. Các loại vàng miếng đã cấp phép được phép lưu hành bình thường.
Người đứng đầu NHNN cũng nói rõ là chính sách hiện hành không bắt buộc chuyển đổi từ vàng miếng này sang vàng miếng khác, tuy nhiên do việc tuyên truyền chưa tốt nên còn có cách hiểu khác nhau dẫn đến lo lắng về vấn đề này. Ông xin nhận trách nhiệm, đồng thời khẳng định sẽ nỗ lực để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu chuyển đổi vàng thương hiệu khác sang vàng SJC.
Lương vẫn sẽ tăng, nhưng chỉ 100.000 đồng
Sau những ý kiến đa chiều về việc hoãn hay vẫn thực hiện việc tăng lương vào năm 2013, hôm qua 31-10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã chính thức chia sẻ quan điểm mới nhất của Chính phủ về nội dung này. Đó là, dự kiến sẽ tăng mức tiền lương tối thiểu chung cho cán bộ công chức, viên chức, người về hưu, người có công ở mức 100.000 đồng/người/tháng trong 6 tháng bắt đầu từ 1-7-2013. Trước đó, khi Chính phủ đề xuất Quốc hội hoãn tăng lương vào năm 2013 do không bố trí được nguồn tiền thì đã có nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội, cũng như các chuyên gia kinh tế cho rằng, vẫn nên tăng lương và cần cơ cấu lại các khoản kinh phí để đảm bảo việc tăng lương vào năm 2013 như lộ trình, tránh gây ảnh hưởng đời sống của nhiều triệu người. Theo phương án tăng lương mới nhất của Bộ trưởng Vương Đình Huệ thì thay vì phải bố trí nguồn tiền tương đương 3 tỷ USD thì đợt tăng lương tới sẽ chỉ cần khoảng 1 tỷ USD (20.700 tỷ đồng).
"Đây là phương án tích cực và khả thi nhất có thể tính đến, Chính phủ cố gắng giảm lạm phát để tăng thu nhập thực tế cho cán bộ công chức và người hưởng lương", Bộ trưởng Vương Đình Huệ giải thích.
Bài toán xử lý khoản nợ hơn 1 triệu tỷ đồng
“Tổng dư nợ liên quan đến bất động sản đến nay vào khoảng hơn một triệu tỷ đồng”, đó là con số được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng công bố sáng 31-10. Còn theo NHNN, tính đến 31-8, dư nợ tín dụng của bất động sản khoảng 203.000 ty đồng, trong đó tỷ đồng lệ nợ xấu 6,6%.
Để đưa ra con số khủng nói trên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng tính toán, nếu tính dư nợ tín dụng liên quan đến bất động sản, trong đó liên quan gồm cho vay để kinh doanh BĐS, vay để đầu tư sản xuất và kinh doanh, thế chấp bằng bất động sản thì dư nợ tín dụng này khoảng 57% tổng dư nợ, tức là khoảng hơn một triệu tỷ đồng. Khoản nợ khủng này cần phải được xử lý khẩn trương tránh ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống ngân hàng và ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.
Về giải pháp tháo gỡ, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đưa ra một số đề xuất theo hướng khắc phục các nguyên nhân gây ra khó khăn BĐS. Đó là, trong thời gian vừa qua, thị trường bất động sản phát triển tự phát và thiếu quy hoạch, kế hoạch. Tới đây, các chủ đầu tư phải cơ cấu lại các dự án, tăng các loại nhà ở xã hội. Cùng đó, NHNN mở rộng tín dụng cho vay cho nhà đầu tư, nhà ở và người mua nhà để ở, đặc biệt người mua nhà ở xã hội. Ông Dũng cũng đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ cho phép miễn, giảm thuế giá trị gia tăng cho các hộ gia đình cá nhân mua nhà xã hội và mua nhà thương mại để ở lần đầu. Cho phép doanh nghiệp đầu tư nhà xã hội được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức cao nhất.
Xem thêm: Nguyễn Tấn Dũng , Trần Đại Quang