Diễn đàn kỳ họp 4 Quốc hội khóa XIII đang nóng lên bởi vấn đề chống tham nhũng.
"Đánh trận giả"
Chúng ta đã nói quá nhiều về chuyện này nhưng làm chẳng được bao nhiêu. Đây là một sự thật đau xót cho một dân tộc từng được coi là đại diện cho "lương tri thời đại", từng đánh thật sự, đánh thắng biết bao kẻ địch hùng mạnh.
Có đại biểu Quốc hội ví chống tham nhũng ở ta như là "đánh trận giả". Rốt cuộc "quân xanh" tham nhũng lại nhe răng... cười hề hề vào cả xã hội: Từ nay cứ sống chung muôn năm với nhau nhé!
Giờ đây ai cũng nói tham nhũng đã như ung thư di căn, nguy hiểm tới mức đe dọa sự tồn vong của chế độ. Thế nhưng nhìn vào công tác phòng chống tham nhũng những năm qua, có thể thấy chúng ta còn quá nương nhẹ "tên giặc" này. Ngay trên báo chí (báo in và báo mạng), có thấy mấy báo viết về tham nhũng?
Chẳng hạn đọc trên nhiều báo hôm 10/11 vừa qua, bài được xếp trong loạt bài được đọc nhiều nhất là tin Bạc Hy Lai nhận hối lộ 20 triệu Nhân dân tệ. Nhưng chẳng thấy nói gì về tham nhũng ở xã hội ta. Mặc dù nó xảy ra khắp nơi, ngoài đường phố, trong công sở, tại bệnh viện, trường học.
Có cảm giác tham nhũng là một đề tài "nhạy cảm" và khó quá, nên các báo cũng ngại đưa ra công luận! Viết về tham nhũng, phải nhìn ra xung quanh xem có "đụng chạm" không? Phải hết sức thận trọng, kẻo chịu cảnh vạ miệng...
|
Vừa qua báo Tuổi Trẻ có mở diễn đàn "Nói không với giả dối". Chưa thấy báo nào mở diễn đàn "Tại sao bạn ngại nói về chống tham nhũng?"
Nếu mở diễn đàn này, có lẽ chúng ta sẽ nhận được mấy câu trả lời đại để như:
- Tham nhũng là hành vi của người có quyền thế, từ cơ sở.... Tố cáo họ tham nhũng khác nào vác đá tự ghè chân, chẳng những không chống được tham nhũng mà chỉ tổ rước vạ vào thân mình hoặc gia đình mình.
- Tham nhũng rất khó chống, bao nhiêu vị có quyền có chức nói ra rả khắp nơi còn chẳng làm nó suy suyển chút nào, dân thường nói sao mà có tác dụng?
- Tham nhũng đã như dịch tả, ai cũng nhiễm vi rút ấy rồi, mình chống nó không khéo lại chống chính người quen, người thân của mình v.v...
Tóm lại, dân thì sợ; người có trách nhiệm thì ngại. Cả xã hội nương nhẹ với chính kẻ đang dí dao vào... "cổ" chế độ.
Theo dõi cuộc bàn thảo về vấn đề chống tham nhũng tại Quốc hội, thấy có những quan điểm khá là xa nhau, người mạnh dạn, người rụt rè. Có vị cho rằng nhận "phong bì" chỉ là chuyện vặt vãnh, không nên coi là tham nhũng. Có vị nói nên hạn chế phạm vi kê khai và công khai tài sản.
Tham nhũng sợ thứ gì nhất thì để chống nó, ta hãy phát huy thật mạnh công lực của những thứ ấy. Một chuyện đơn giản như thế mà có lẽ chúng ta chưa nghĩ ra (hay thừa biết nhưng ngó lơ).
Ai cũng biết tham nhũng sợ dư luận, sợ minh bạch, công khai trước nhân dân, sợ bị kết án. Thế thì báo chí cần phải đi đầu đưa tin về thực trạng, vấn nạn này. Hãy minh bạch mọi hoạt động đầu tư, kinh doanh, chi tiêu.
Hãy kê khai và công khai tài sản của tất cả những người có chức quyền- đây là biện pháp hiệu quả để xem xét có tham nhũng hay không?
Nhưng ai kê khai và công khai với ai mới là vấn đề quan trọng. Rõ ràng phải công khai với quần chúng nhân dân, những người có trăm tai nghìn mắt, có thể vạch ra từng kẻ sâu mọt. Lẽ thường chẳng ai "lạy ông tôi ở bụi này", một mình đứng tên tất cả các tài sản tham nhũng, bòn rút được mà không phân tán cho vợ con, người thân.
Nhân dân bao giờ cũng là lực lượng hăng hái nhất chống tham nhũng, vì tham nhũng làm hại chính họ. Nếu họ quay lưng lại thì công cuộc chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta sẽ thất bại. Ban Phòng chống tham nhũng phải mang được sức mạnh của nhân dân. Và đồng thời, người dân phải là người thực sự làm chủ xã hội.
Nhiều nước chống tham nhũng rất hiệu quả mà chế độ chính trị của họ vẫn vững vàng. Kinh tế vẫn tăng trưởng tốt, sao ta không học họ mà cứ tranh cãi hoài?
Tham nhũng ở đâu cũng tác hại như nhau, cách chống nó về cơ bản như nhau, cớ gì ta không học tập, cớ gì còn ngần ngại, nể nang, nói nhiều làm không được bao nhiêu.
Vì sao xã hội chúng ta cứ nương nhẹ mãi với tham nhũng? Có lẽ trước hết nên trả lời câu hỏi này đã rồi hãy bàn kế sách phòng chống tham nhũng.
Xem thêm: Nguyễn Tấn Dũng , Trần Đại Quang