Bộ Công thương vừa đưa ra lấy ý kiến Dự thảo “Quyết định về cơ chế quản lý và điều chỉnh giá bán lẻ điện”, để thay thế quyết định 24/2011/QĐ-TTg năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường.
Theo đó, trường hợp các thông số đầu vào cơ bản tại thời điểm tính toán biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá thành điện kế hoạch làm giá bán điện bình quân tại thời điểm tính toán cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành với mức:
- Từ 2 - 5% và trong khung giá quy định thì EVN (Tập đoàn điện lực VN) được phép điều chỉnh tăng giá bán điện ở mức tương ứng sau khi đăng ký và được bộ Công thương chấp thuận;
- Trên 5% hoặc mức giá bán lẻ điện bình quân tính toán sau điều chỉnh ngoài phạm vi khung giá quy định thì EVN báo cáo bộ Công thương và gửi bộ Tài chính để thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Như vậy có thể hiểu nôm na là, chỉ cần các thông số đầu vào cơ bản tại thời điểm tính toán biến động từ 2% trở lên là EVN được phép tăng giá bán điện. Thay vì các thông số nói trên phải biến động từ 5% trở lên như quy định tại Quyết định 24.
|
Điều này đồng nghĩa với việc trao cho EVN cơ hội tăng giá điện dễ dàng hơn, với thời gian tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh là 3 tháng.
Còn về điều kiện để EVN phải giảm giá bán điện, dự thảo quy định, nếu các thông số đầu vào thấp/giảm hơn từ 5% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, thì EVN quyết định điều chỉnh giảm giá bán điện tương ứng.
Khi nghe đến điều này EVN sẽ là người mừng nhất, vì để tăng giá họ chỉ cần chỉ số đầu vào tăng 2% là được, trong khi các chỉ số này phải giảm 5% EVN mới bắt buộc hạ giá bán điện.
Dự thảo trên được đưa ra đúng thời điểm ba “ông lớn” gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) ký thỏa thuận hợp tác chiến lược giai đoạn 2013-2018 (kỳ ngày 26/2/2013). Thỏa thuận này được ký khiến dư luận cảm thấy bất an.
Vì tính riêng trong hoạt động sản xuất điện, ba Tập đoàn này chiếm tới 80% tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống. Vì vậy, nỗi lo ba “ông lớn” này bắt tay để độc quyền và tác động tới giá điện là điều hoàn toàn có thể xảy ra, đặc biệt là trong điều kiện nước ta mới bắt đầu xây dựng thị trường điện cạnh tranh, theo tính toán cần ít nhất 10 năm nữa mới đi tới giai đoạn cạnh tranh hoàn hảo.
Theo báo cáo sản xuất kinh doanh điện tháng 2/2013 của EVN, trong tháng sản lượng điện toàn hệ thống đạt 8,32 tỷ kWh, trong đó thuỷ điện chiếm 27,62%, nhiệt điện than chiếm 27,86%, nhiệt điện khí 40,45%...
Có thể thấy trong cơ cấu nguồn điện, nhiệt điện nói chung đang chiếm tới gần 60% tổng công suất nguồn toàn hệ thống, chỉ cần nguồn này tăng giá, thì giá bán lẻ điện sẽ phải tăng.
Trong khi theo quy định hiện hành, giá điện chịu tác động bởi ba yếu tố chính là cơ cấu nguồn điện, giá nhiên liệu đầu vào và tỷ giá. Trong 3 yếu tố này, chỉ có tỷ giá nằm ngoài tầm với của ba Tập đoàn nói trên.
Trên cơ sở thỏa thuận hợp tác chiến lược đã ký, nếu EVN muốn tăng giá bán lẻ điện, chỉ cần “nháy mắt” với hai Tập đoàn còn lại, để PVN tăng giá khí, Vinacomin tăng giá than, như vậy là 2 trong 3 yếu tố chính cấu thành giá điện (cơ cấu nguồn điện và giá nhiên liệu đầu vào) đều đã tăng.
Không chỉ có vậy, với nguồn điện EVN đang mua của Trung Quốc (chiếm khoảng 4% tổng công suất nguồn điện) cũng bị cho là đang mua với giá cao. Vụ việc này được đề cập tới hối tháng 7/2012, khi nhiều nhà máy thủy điện do tư nhân đầu tư đã đưa vào vận hành nhưng EVN không mua điện, thậm chí có nhà máy chào giá 0 đồng để được chạy máy, EVN vẫn từ chối.
Trong khi đó EVN vẫn mua điện từ Trung Quốc với giá khoảng 1.300 đồng/kWh, gấp 2 - 3 lần giá mua điện của các nhà máy thủy điện trong nước (mùa thấp điểm giá chỉ 500 - 550 đồng/kWh). Lý do là vì trong điều khoản hợp đồng EVN kỳ với đối tác có quy định, khi không tiêu thụ hết điện theo hợp đồng đã ký, nếu điện chạy ngược sang Trung Quốc quá 5% công suất EVN sẽ bị phạt.
Trong một thông báo EVN mới phát đi cách đây ít ngày, hiện tại, mực nước nhiều hồ thủy điện lớn vẫn thấp hơn mực nước dâng bình thường, đặc biệt là các hồ ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Vì vậy, dự kiến EVN sẽ phải huy động trên 1,1 tỷ kWh bằng nguồn điện dầu FO và DO cho mùa khô 2013 với chi phí giá thành cao gấp nhiều lần so với nhiệt điện than, khí (than, khí giá cao gấp nhiều lần thủy điện)…
Phạm Thanh (Infonet)
Xem thêm: Nguyễn Tấn Dũng , Trương Tấn Sang, Trần Đại Quang