Sinh viên, nông dân Hà Tĩnh được nêu trong Bản kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992 trên một số trang mạng xã hội: Phần lớn là danh sách giả mạo (13/03/2013)
Hà Tĩnh là quê hương của cách mạng, nơi sản sinh ra những người con kiên cường, anh hùng, bất khuất, giỏi giang. Truyền thống ấy đã được lịch sử ghi nhận và in sâu trong tiềm thức của nhân dân cả nước. Một số đối tượng đã lợi dụng đặc điểm này của Hà Tĩnh để phục vụ mục đích riêng của mình, điều đó thể hiện ở một số trang mạng xã hội đề tên sinh viên, nông dân Hà Tĩnh trong bản kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992. Ông Từ Văn Diện, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch MTTQ tỉnh, Phó trưởng ban chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và Luật Đất đai (sửa đổi) tỉnh Hà Tĩnh đã khẳng định với Đại Đoàn Kết:
|
Việc một số trang mạng xã hội đưa bản kiến nghị sửa đổi Hiến pháp đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi đa nguyên đa đảng, đòi tam quyền phân lập, đòi phi chính trị hóa quân đội Việt Nam…trong đó có một số sinh viên, nông dân Hà Tĩnh ký tên là hoàn toàn không có cơ sở và không đúng thực tế. Các ban công tác Mặt trận ở khu dân từ thôn, làng, xã, huyện, thị trấn là những nơi gần dân nhất, gắn bó với dân nhất. Và theo sự phản ánh từ các ban công tác Mặt trận, không có điều này xảy ra trên địa bàn của họ. Đa số người dân Hà Tĩnh đều đồng tình với Điều 4 mà Dự thảo Hiến pháp 1992 đã nêu. Vì hơn ai hết, người dân Hà Tĩnh đều hiểu rằng, nhờ sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam mà chúng ta mới được như ngày hôm nay.
Trong bản kiến nghị đó có một số nhân sĩ, trí thức có địa chỉ, tên tuổi, đơn vị công tác rõ ràng là đúng, còn phần lớn trong danh sách hầu như là giả mạo. Nếu chỉ nêu tên chung chung thì chúng ta có thể đưa ra được hàng trăm, thậm chí là hàng vạn cái tên không có gì là khó. Tôi khẳng định rằng, ở Hà Tĩnh không có hiện tượng như các trang mạng xã hội đã nêu. Điều đó đã làm ảnh hưởng đến quyền của nhiều người dân, làm giảm uy tín của nhân sĩ, trí thức tiêu biểu vì muốn xây dựng một bản Hiến pháp của nhân dân, vì nhân dân.
|
PV: Ông có thể cho biết việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 ở Hà Tĩnh và Luật Đất đai (sửa đổi) hiện nay đã và đang diễn ra như thế nào?
- Ngay sau khi nhận được Chỉ thị của Bộ Chính trị và Nghị quyết 38 của Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã thành lập Ban chỉ đạo với 18 thành viên. Ban chỉ đạo đã tổ chức triển khai việc lấy ý kiến nhân dân một cách đồng bộ từ tỉnh đến huyện, xã và cơ sở. MTTQ đã hướng dẫn, đôn đốc các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia góp ý một cách dân chủ, huy động trí tuệ của toàn dân nhằm xây dựng một bản Hiến pháp tốt nhất, phù hợp với yêu cầu của đất nước trong giai đoạn hiện nay và tương lai.
Việc lấy ý kiến nhân dân góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã trở thành một đợt sinh hoạt chính trị pháp lý sâu rộng, được các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý hết sức tích cực.
Qua tổng hợp sơ bộ hiện nay đã có 98% các tổ chức, đơn vị, địa phương cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn cho nhân dân góp ý. Hà Tĩnh có gần 1,3 triệu dân nhưng đã có tới 75 vạn ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, trong đó có rất nhiều ý kiến tâm huyết, thiết thực. Các ý kiến của nhân dân phần lớn đều đồng tình rằng cần phải sửa đổi Hiến pháp để phù hợp với tình hình đất nước hiện nay. Đồng thời có đề nghị sửa đổi, bổ sung một số Điều, Chương của Dự thảo Hiến pháp. Trong đó có một số ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 4, Đảng phải có trách nhiệm trước nhân dân về quá trình lãnh đạo của mình.
Vai trò của MTTQ tỉnh Hà Tĩnh thể hiện như thế nào trong "đợt sinh hoạt chính trị pháp lý” lần này, thưa ông?
- MTTQ là nơi tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân, vì vậy, MTTQ chính là trụ cột của đợt sinh hoạt chính trị quan trọng lần này. Việc Chủ tịch MTTQ tỉnh làm Phó trưởng ban chỉ đạo đã chứng tỏ MTTQ chịu trách nhiệm một mảng lớn, bao quát trong các tổ chức chính trị - xã hội. MTTQ các cấp đã đứng ra tổ chức các hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến góp ý trực tiếp từ các hội viên, đoàn viên, nhân sĩ, trí thức, người lao động…Mặt khác, MTTQ tỉnh đã thành lập một tổ giúp việc, tổ này chịu trách nhiệm thu thập ý kiến của bà con nhân dân bằng văn bản.
Chúng tôi cũng đã hướng dẫn các tổ chức thành viên, nhất là các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn cấp dưới tổ chức cho đoàn viên, hội viên ở chi đoàn, chi hội cơ sở, đôn đốc ban công tác Mặt trận ở các khu dân cư tổ chức cho nhân dân tham gia góp ý của mình vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, đảm bảo Hiến pháp sẽ đến được với mỗi người dân.
Trân trọng cảm ơn ông!
HẠNH NGUYÊN