Đầu tư tràn lan hoặc đầu tư ban đầu với giá cắt cổ, các khoản thua lỗ kéo dài của 4 doanh nghiệp ngành xi măng gồm nhà máy xi măng Đồng Bành, Cẩm Phả, Thái Nguyên và Hạ Long lên tới hàng ngàn tỉ đồng đang kéo theo sự sa lầy của hàng loạt tên tuổi lớn của DNNN như Vinaconex, COMA... Vấn đề gây nhức nhối dư luận là ai sẽ phải gánh các cục nợ này?
4 nhà máy xi măng lỗ hàng nghìn tỷ đồng |
Nhà máy xi măng Đồng Bành (Lạng Sơn) do TCty Cơ khí xây dựng (COMA), TCty Máy và Thiết bị công nghiệp (MIE) và Cty xi măng Lạng Sơn góp vốn đầu tư, trong đó cổ đông chi phối là COMA góp 88,23%. Dự án có công suất 2.500 tấn clinker/ngày, tương đương 910.000 tấn xi măng/năm, tổng mức đầu tư ban đầu là 1.298 tỉ đồng.
Tại thời điểm bắt đầu hoạt động, tháng 9/2010, vốn đầu tư đã là 1.505 tỉ đồng, tăng khoảng 16%. Dự án được vay từ NH Phát triển Việt Nam (VDB) 272,142 tỉ đồng; vay NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam 183,467 tỉ đồng, vay NH ANZ 747,850 tỉ đồng; còn vốn tự có của chủ đầu tư 301,542 tỉ đồng tương đương với 20%.
Đáng chú ý, trong phần vốn vay từ ANZ được Chính phủ bảo lãnh. Nhà máy đã dừng hoạt động từ quý I/2012 với số lỗ gần 197 tỉ đồng. Trong khi đó, khoản vốn vay mà xi măng Đồng Bành phải trả cả gốc lẫn lãi trong 5 năm tới là trên 600 tỉ đồng. Do thua lỗ, Bộ Tài chính đã phải đứng ra trả 3,5 triệu USD cho NH ANZ thay cho xi măng Đồng Bành.
Nhà máy xi măng Hạ Long (Quảng Ninh), được khởi công xây dựng từ tháng 6/2006 do Tập đoàn Sông Đà làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 4.000 tỉ đồng, nhưng do thời gian thi công chậm 45 tháng, tổng mức đầu tư đã tăng thêm 2.776 tỉ đồng. Đi vào sản xuất từ đầu năm 2010, nhưng do số vốn đi vay quá lớn (5.196 tỉ đồng), nên đến hết tháng 3/2012 của dự án lỗ 1.215 tỉ đồng.
Trong khi đó, theo kế hoạch trả nợ năm 2012, xi măng Hạ Long phải trả các khoản vay nước ngoài do Bộ Tài chính bảo lãnh, gồm khoảng 437 tỉ đồng cho NH Natixis và hơn 28 tỉ đồng cho NH Đầu tư Bắc Âu.
Hết quý I/2012, xi măng Hạ Long đã vay vốn để trả hơn 2.000 tỉ đồng. Hiện tại, xi măng Hạ Long lại tiếp tục đối mặt với số nợ phải trả trong giai đoạn 2012-2015 là 1.200 tỉ đồng.
Nhà máy xi măng Thái Nguyên (Thái Nguyên) do TCty CP Xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) đầu tư với công suất 1,5 triệu tấn/năm, tổng vốn đầu tư 2.775 tỉ đồng, tương đương 185 triệu USD. Dự án được Chính phủ cho phép thực hiện với nhiều cơ chế hỗ trợ như cho vay lãi suất ưu đãi, bảo lãnh vay vốn nước ngoài.
Sau hơn 1 năm hoạt động, xi măng Thái Nguyên đã lỗ 77 tỉ đồng và chưa đạt 60% công suất. Tháng 7/2011, với tư cách là người bảo lãnh, Bộ Tài chính đã trả nợ vốn vay đầu tư đến hạn của Vinaincon tại Ngân hàng BNP Paribas, với số tiền 4,2 triệu euro.
Không có yếu tố nước ngoài duy nhất trong số 4 DN này là NM xi măng Cẩm Phả (Quảng Ninh) do TCty XNK Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) làm chủ đầu tư.
NM có công suất thiết kế 2,3 triệu tấn/năm với tổng đầu tư khoảng 6.089 tỉ đồng, mức đầu tư được đánh giá là “siêu đắt đỏ”. Sau 3 năm hoạt động, xi măng Cẩm Phả đã lỗ lũy kế 1.259 tỉ đồng. Năm 2011, Vinaconex phải trích lập dự phòng 586 tỉ đồng và năm 2012 dự kiến trích lập dự phòng đầu tư tài chính vào Xi măng Cẩm Phả khoảng 960 tỉ đồng.
Nhà nước chịu lỗ?
Trao đổi PV, luật gia Vũ Xuân Tiền cho rằng, theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế, một dự án đầu tư chỉ được triển khai khi đã qua thẩm định và được đánh giá là khả thi.
“Vậy ai đã thẩm định và đánh giá những dự án trên là khả thi? Đằng sau kết luận đó là gì khi có những chỉ tiêu không thuyết phục. Chẳng hạn, theo thông lệ quốc tế, dự án chỉ được triển khai khi theo tính toán, sản lượng hoà vốn nhỏ hơn hoặc bằng 60% công suất thiết kế, nhưng với dự án xi măng Thái Nguyên, sản lượng hoà vốn lại tới 80%?” - luật sư Tiền đặt vấn đề.
Cũng theo ông Tiền, suất đầu tư là chỉ tiêu rất quan trọng để đánh giá hiệu quả đầu tư. Với 4 DN xi măng thua lỗ kể trên, suất đầu tư (số vốn đầu tư/ đơn vị công suất thiết kế) của những dự án trên là bao nhiêu? Cao hay thấp hơn mức trung bình của cả nước? Cao hay thấp hơn so với suất đầu tư của dự án tương tự của DN tư nhân? Có hay không yếu tố tham nhũng, lãng phí trong tổng vốn đầu tư của những dự án trên? Ximăng không phải là mặt hàng thiết yếu và cung đã lớn hơn cầu rất nhiều.
Thế nhưng, vì sao Bộ Tài chính lại trình Chính phủ và đứng ra bảo lãnh cho các dự án này và đã phải sử dụng tiền của NSNN để trả nợ thay?”, hàng loạt câu hỏi được luật sư Tiền đưa ra.
Theo luật sư Tiền, cần làm rõ trách nhiệm của hội đồng thành viên, HĐQT, GĐ (TGĐ) các Cty xi măng nói trên. NĐ 25/2010/ NĐ-CP của Chính phủ quy định về nghĩa vụ của hội đồng thành viên Cty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu như sau:
“Trường hợp để DN thua lỗ hoặc giảm tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu hoặc không thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ chủ sở hữu giao hoặc chỉ tiêu tại hợp đồng quản lý Cty mà không giải trình được nguyên nhân khách quan và được chủ sở hữu chấp nhận thì tùy theo mức độ, sẽ bị cách chức hoặc bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật”. “Đã có bao nhiêu cán bộ quản lý ở các dự án xi măng trên “bồi thường thiệt hại” cho Nhà nước?” - ông Tiền chất vấn.
Tái cơ cấu DNNN là vấn đề đang được dư luận quan tâm và điều dư luận cho rằng việc cần làm đầu tiên là quy trách nhiệm một cách rõ ràng khi DNNN bị thua lỗ, mất vốn tương tự như 4 dự án xi măng nêu trên. Nói như ông Tiền: Không thể để tái diễn tình trạng, cứ đầu tư, thua lỗ đã có Nhà nước chịu!
Chính phủ không trả nợ thay cho doanh nghiệp
Trao đổi với PV Lao Động chiều 16/10, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết: Theo NĐ của Chính phủ về bảo lãnh yêu cầu, đối với những khoản Chính phủ bảo lãnh nếu DN không trả được nợ, Bộ Tài chính sẽ ứng để trả nợ thay không quá 3 kỳ. Nếu sau 3 kỳ các DN không trả nợ được thì bộ sẽ thực hiện theo Luật Quản lý nợ công, tức là bán thanh lý tài sản thế chấp để thu hồi trả nợ.
Như vậy, để nhận được sự bảo lãnh của Bộ Tài chính, các DN xi măng nêu trên sẽ phải nhận nợ bắt buộc và phải cam kết trả nợ bao gồm cả khoản nợ gốc, lãi vay ngân hàng và cả các loại phí liên quan, chứ không phải là Chính phủ trả nợ thay. Tùy từng trường hợp cụ thể, Chính phủ sẽ tạo điều kiện trả nợ cho các DN theo các cơ chế chính sách thuận lợi nhất để có thể hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm dần mức lỗ, tiến tới hòa vốn và có lãi.
Các phương án thoái vốn, mua lại hay tái cơ cấu lại các DN này sẽ được tính đến khi các DN không có khả năng thanh toán. Hướng xử lý với NM xi măng Đồng Bành của Bộ Xây dựng vừa kiến nghị lên Thủ tướng là ví dụ. Theo đó, có thể cho phép chủ đầu tư là TCty COMA bán toàn bộ hơn 17 triệu cổ phiếu - tương ứng hơn 171 tỉ đồng tại NM xi măng Đồng Bành cho Cty TNHH Tập đoàn Hoàng Phát Vissai. Đồng thời, đề nghị Thủ tướng chấp thuận cho Hoàng Phát Vissai trả nợ thay món vay ANZ cho Bộ Tài chính...
Xem thêm: Nguyễn Tấn Dũng , Trần Đại Quang