Tham nhũng bắt đầu từ ham hố quyền lực
Chúng tôi rất đồng tình với ý kiến của Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn: “Dân không bao giờ muốn bỏ tiền nhà đi đút lót, vì các ông đòi ăn nên dân mới phải đút”. Ông phát biểu như trên vì trong báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2012 có nhận định rằng: “Một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp, người dân chưa có hành động quyết liệt trong việc đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, ngược lại còn đồng tình, tiếp tay cho hành vi tiêu cực, tham nhũng để giành được lợi thế trong kinh doanh hoặc được “ưu tiên” giải quyết công việc”.
Xem thêm: “Chạy chức” - Chạy ai và ai chạy?
Chúng tôi hiểu rằng, những người dân và doanh nghiệp vừa và nhỏ buộc lòng rút hầu bao chi cho nhưng kẻ tham nhũng đều biết ơn ông Sơn đã nói hộ những ẩn ức bấy lâu trong lòng mình. Tại sao lại đổ thừa cho người dân tiếp tay cho tham nhũng, sẵn sàng bôi trơn. Chỉ vì các ông tham nhũng gợi ý, nói theo ngôn ngữ dân gian là “ali mơi mơi” hối lộ thì người dân mới đưa cho quan tham.
“Chạy chức” - Chạy ai và ai chạy? |
Chính Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cũng khẳng định, số trường hợp nộp lại quà tặng là cá biệt, không phản ánh đúng thực trạng hiện nay. Hiện tượng lợi dụng dịp lễ, tết và những phong tục, tập quán để biếu xén vẫn diễn ra khá phổ biến nhưng chưa có biện pháp hiệu quả để ngăn chặn.
Hồi còn đương chức, chúng tôi dễ nhận thấy ở cơ quan có kẻ tài hèn, đức kém bỗng dưng “ghế trên ngồi tót sỗ sàng, chắc chắn là chạy chức chạy quyền. Gặp ông sếp máu gái, lắm chị lên như diều. Biết cả đấy nhưng “đấu tranh tránh đâu?”. Thế rồi lấy thu bù chi, bọn chạy chức này sẽ trở thành tham nhũng. Không bao giờ có quan thanh liêm từ nguồn cán bộ chạy chức chạy quyền này cả. Quan liêm thì làm gì có dân đút lót. Phải có kẻ “sẵn sàng nhận” thì mới có những người dân buộc phải “sẵn sàng chi” để được việc, bởi nếu không chi thì nhiều khả năng công việc sẽ ách tắc, sẽ bị hành lên hành xuống. Trong các quan hệ xã hội, xin đừng đổ tội cho người yếu thế.
Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng thừa nhận: “Thực tế hiện nay có những trường hợp đưa hối lộ do bị gợi ý, ép buộc nhưng vì sợ ảnh hưởng đến công việc, quyền lợi của mình nên buộc phải chấp nhận. Tuy nhiên, nếu sau đó người đưa hối lộ tố cáo thì lại có thể bị truy tố vì tội đưa hối lộ. Quy định hiện hành thực chất đặt người đưa hối lộ và nhận hối lộ vào thế “cùng thuyền”. Ông Lượng kiến nghị “bổ sung quy định xem xét giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý đối với người đã đưa hối lộ do bị ép buộc nhưng chủ động khai báo” vào dự luật sửa đổi lần này.
Hy vọng rằng, kiến nghị của ông Lượng cũng chính là nguyện vọng của công dân sẽ được Quốc hội đưa vào Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi để người dân không bị đẩy vào thế “cùng hội cùng thuyền” với tham nhũng. Và cần thực hiện thi tuyển cán bộ, công chức, viên chức để phòng chống nạn chạy chức chạy quyền.
Lê Minh Nghĩa
(Quận Tây Hồ, Hà Nội)
Hy vọng nó đừng “bùng nổ”
Theo tôi, việc chạy chức, chạy quyền đã xuất hiện và tồn tại từ rất lâu đời trong xã hội, nhưng được biểu hiện ở các dạng khác nhau và rõ nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, khi mà đồng tiền được dùng để mua rất nhiều thứ và rất nhiều người đang quan niệm “kẻ có tiền là kẻ mạnh”.
Ngày xưa, muốn có chức, có quyền người ta cũng phải “nịnh hót”, “đút lót” cho các bậc “quan lớn”. Hiện tượng này được xuất hiện trong rất nhiều tác phẩm văn học, nhiều bộ phim…
Hiện nay, chúng ta phải xác định chắc chắn rằng, không thể “dẹp” triệt để được vấn nạn này trong xã hội. Chỉ hy vọng nó đừng “bùng nổ” đến mức không thể kiểm soát nổi mà thôi.
Ai cũng biết là “chức” đi liền với quyền uy, tiền bạc, lợi lộc và các mối quan hệ dây mơ rễ má với ngành này bộ nọ… Khi xã hội vẫn còn cơ chế “xin - cho”, ban phát, nể nang quen biết… thì “chức”, “quyền” càng dễ chạy. Ví dụ một vị mất 100 triệu để chạy được một chức gì đó thì khi ngồi trên chức đó, ông ta phải làm mọi cách để lấy lại được gấp nhiều lần số tiền đã bỏ ra. Vậy thì tại sao không có tham ô, tham nhũng và hàng chuỗi “chạy” khác xuất hiện cho được? Chưa nói đến vợ (chồng), anh em… các vị cũng ỷ thế để làm vụ này vụ kia, vì thử hỏi nếu không có thông lệ, không ai “bật đèn xanh” thì những kẻ “chạy” biết lối nào mà chạy?
Mà thói đời thì nhìn chung con người ai cũng ưa nịnh nọt, quà cáp, phong bì… Các vị lãnh đạo từ cấp cao đến cấp thấp cũng như vợ con, anh em của các vị cũng đều là người bình thường như mọi người cả. Nên những kẻ kém tài mà nịnh giỏi, chạy giỏi, nhiều tiền, quen biết… có rất nhiều cơ hội để có chức, có quyền. Chính hạng người này khi có chức, có quyền mới lộng hành xã hội ghê gớm, làm thì ít mà phá thì nhiều.
Vậy tóm lại, để giảm bớt nạn chạy chức, chạy quyền phải có giải pháp gì? Xã hội cần có chính sách khuyến khích phát hiện tố cáo và phạt thật nặng những người “chạy chức” và nhất là những người “có quyền” mà dùng quyền ban phát không đúng. Các vị lãnh đạo các cấp hãy học theo gương Tô Hiến Thành ngày xưa, vị nào cũng liêm khiết, trong sạch, vợ chồng, con cái, anh em của vị đó không ai dám dựa hơi, không ai còn lợi dụng “bóng quan lớn” để bắt nạt chỗ này, ban phát chỗ nọ... Xã hội cũng có nhiều sự đã rồi nên phải có chính sách thường xuyên nhắc nhở, giáo dục tư cách cán bộ, đảng viên để người có quyền chức thì không ỷ thế, người có tiền nhưng không có thực tài thì không dám “chạy” (điều này thật khó).
Thôi thì xa hơn, chỉ biết trông vào việc giáo dục thế hệ tương lai của đất nước sao cho sau này các em lớn lên có ý thức thấy việc chạy chức, chạy quyền là sai, không nỡ làm, không thể làm, không dám làm. Nhưng liệu ngày ngày nhìn thấy bao tấm gương các bậc cha chú hành xử “chạy” mới có chức, có quyền như hiện nay thì chúng ta có giáo dục nổi con em chúng ta không?
Nguyên An (Đà Nẵng)