Ngót 15 nghìn tỷ đồng, có nghĩa là mỗi tháng Bộ GTVT sẽ phải “tiêu” 3.743 tỷ đồng, gấp đôi với mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay. Nghĩ mà lo thay cho Bộ trưởng Đinh La Thăng. Thiếu tiền đã là một sự khốn nạn. Nhưng nhiều tiền quá có khi cũng chẳng sung sướng gì, bởi bỏ tiền vào đâu thực ra cũng đáng nát óc để nghĩ…
Có người đã gọi việc “bới ra và để đấy” đang khiến các huyết mạch khắp đất nước thành những “quốc (lộ) nạn”, những “huyết mạch tử thần”. QL20 từ ngã ba Dầu Giây kết nối với Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên đang xuống cấp trầm trọng với những “trồi sụt”, “xói mòn”, “sạt lở”. QL1A từ TP.HCM qua Long An đi miền Tây, vốn được xem như “con đường huyết mạch” nối ĐBSCL thông thương với cả nước- “thành sông” mỗi độ ông trời sổ mũi.
Làm dân khó hơn làm bộ trưởng |
QL12B, đoạn Ninh Bình, vào một ngày đẹp trời bỗng xuất hiện “hố tử thần” khiến người dân phải cắm cây cảnh báo. Và thảm nhất là hình ảnh những cây cầu “lên lão” trên QL3, đoạn qua Bắc Kạn được ngành GTVT sáng kiến “chêm gỗ” khi hàng ngày vẫn phải oằn mình rung lắc, bong, vỡ dưới sức nặng của các “binh đoàn” xe siêu trường, siêu trọng…
Tại sao tình trạng “quốc nạn” xảy ra khắp nơi kéo dài từ năm này qua năm khác? Ngoài chuyện thiếu vốn, một nguyên nhân chủ quan cũng đã được chính Bộ trưởng Thăng thừa nhận: Đó là căn bệnh chậm tiến độ kinh niên mãn tính của ngành giao thông vận tải.
Hồi mới nhậm chức, Bộ trưởng đòi phải là “tư lệnh lĩnh vực”, phải “cho tôi toàn quyền”. Bộ trưởng tuyên bố: Bộ Giao thông sẽ tập trung giải quyết 3 khâu đột phá chiến lược mà khâu chiến lược của chiến lược là “đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông”. Ở Đà Nẵng, dạo mới ngồi “ghế nóng”, ông thậm chí đã tuyên bố sẽ “trảm” 5 nhà thầu, kiểm điểm 2 nhà thầu khác. Và sau đó không thấy ai bị trảm. Và sau đó là lời than ai về chuyện “thiếu vốn”.
Nhưng nếu chỉ ngồi đó để kêu thiếu thì người dân cần gì đến một “tư lệnh ngành” nói rất to, cười rất lớn!
Đến hôm qua, những nông dân Hai Lúa ở Tiền Giang dường như đã tự tìm cho mình câu trả lời “chờ đến bao giờ” khi họ quyết định không chờ tiền Nhà nước, cũng không chờ Bộ trưởng hứa hẹn nữa. Họ tự bỏ tiền, tự trở thành lục lộ phu để sửa những con đường có gắn kèm 2 chữ “quốc lộ”.
Thưa Bộ trưởng, ở Tiền Giang có một nữ công dân, chị Nguyễn Thị Xuân Duyên ở xã Bình Nhì, đã tạm thời đóng cửa quán cà phê để làm lục lộ phu. Khi nghe tin ông Chủ tịch tỉnh hứa thưởng cho những người dân làm đường, chị cười nhẹ nhàng: “Thay vì thưởng dân, tôi chỉ mong lãnh đạo xem xét cho sửa những đoạn hư còn lại”.
Giữa việc làm bộ trưởng, chỉ để tuyên bố, để liệt kê lý do chậm tiến độ, để nghĩ ra các khoản phí, để tiêu tiền thuế của dân và việc vừa phải nuôi sống bản thân, gia đình, đóng thuế nhà nước, đóng phí cho bộ trưởng, rồi lại cóp nhặt tiền mồ hôi, nước mắt từ hạt gạo, củ khoai, từ túi mình để sửa công lộ, cái nào khó hơn thì có lẽ chính Bộ trưởng Thăng cũng có thể tự trả lời.