Đạo đức của người làm báo trong việc khai thác và xử lý thông tin là vấn đề nóng hổi hiện nay. Một số phóng viên và tờ báo đang coi nhẹ việc kiểm chứng và xác thực các nguồn tin, dẫn tới hậu quả thông tin đưa lên mặt báo sai sự thật và ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của báo chí đối với nhân dân.
Trước thực tế đó, thực hiện Nghị quyết Đại hội IX và Chương trình hành động toàn khóa (2010-2015) của Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội thảo Quốc gia “Đạo đức nghề báo trong khai thác và xử lý nguồn tin”.
Tới dự hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Thế Kỷ – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Đỗ Quý Doãn – Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông. Về phía lãnh đạo hai đơn vị tổ chức Hội thảo có các đồng chí: Hà Minh Huệ – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Trần Gia Thái – Phó Chủ tịch Hội, PGS,TS Trương Ngọc Nam – Giám đốc Học viện Báo chí Tuyên truyền, PGS.TS Hoàng Đình Cúc – Nguyên Giám đốc Học viện, Chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước về đạo đức nghề báo; các nhà báo lão thành: Phan Quang, Đỗ Phượng, cùng hơn 150 đại biểu đến từ các các cơ quan báo chí, các HNB ở địa phương…
|
Nhà báo Hà Minh Huệ - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc |
Thay mặt Ban Tổ chức, nhà báo Hà Minh Huệ đề nghị các đại biểu tham gia Hội thảo đi sâu thảo luận và làm rõ những vấn đề như:
- Nhận diện các dạng vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong thực tiễn hoạt động báo chí thời kinh tế thị trường hiện nay?
- Phân tích những nguyên nhân dẫn đến các vi phạm đạo đức nghề nghiệp và phương hướng khắc phục. Đó có phải do sự non kém về chính trị, yếu kém về nghiệp vụ hay một sự chạy theo lợi nhuận kinh tế đơn thuần?
- Cùng nhau trao đổi kinh nghiệm trong việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho hội viên từ phương diện lý luận đến thực tiễn tác nghiệp báo chí.
- Đề xuất những kiến nghị, những sáng kiến để việc quản lý, giáo dục hội viên có hiệu quả hơn, góp phần nâng cao phẩm chất đạo đức của người làm báo Việt Nam và chất lượng của báo chí trong giai đoạn hiện nay.
Buổi hội thảo đã diễn ra với không khí nghiêm túc và rất khẩn trương, các đại biểu có mặt trong hội thảo đều có những ý kiến đóng góp vô cùng nghiêm túc và quý báu, nhằm góp phần nâng cao trách nhiệm của người cầm bút trong quá trình tác nghiệp và đẩy mạnh tính chiến đấu của báo chí cách mạng trong giai đoạn hiện nay.
Về vấn đề đạo đức của người làm báo trong quá trình tác nghiệp và xử lý thông tin, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, các cơ quan báo chí có vai trò rất lớn trong việc cung cấp thông tin tới cho độc giả. Trong đó, đối tượng quan trọng nhất chính là bản thân phóng viên, nhà báo, cần có những phẩm chất và điều kiện cơ bản như:
Thứ nhất, phóng viên, nhà báo phải “có nghề”, nghĩa là phải được đào tạo bài bản, được học nghề viết báo một cách chính quy. Người không được học nghề báo có thể vẫn phát hiện được những vấn đề, tình huống phức tạp nhưng khó có thể xử lý thông tin một cách sắc sảo, hiệu quả và chuyên nghiệp.
TS. Nguyễn Thế Kỷ - Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. |
Thứ hai, nhà báo cần có nhãn quan chính trị, nhạy cảm chính trị và tư duy chính trị. Người làm báo cần thiết phải có lập trường chính trị vững vàng, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu đội ngũ những người làm báo “phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng. Cho nên, các báo chí của chúng ta đều phải có đường lối chính trị đúng”.
Thứ ba, phóng viên cần có phẩm chất nghề nghiệp. Bởi báo chí có tính chính trị, xã hội rộng lớn, bất kỳ thông tin nào được đăng tải trên báo chí cũng có thể gây ảnh hưởng tới tâm lý, đời sống, kinh tế … của các thành viên trong xã hội.
Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ cũng trích dẫn 4 điều quan trọng trong Quy định về đạo đức người làm báo, đó là, người làm báo phải Tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phải Luôn gắn bó với nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân. Ngoài ra, người làm báo còn Hành nghề trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật và Sống lành mạnh, trong sáng, không được lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi và làm trái pháp luật.
Trong đó, ông nhấn mạnh vào điều 3 và 4 của Quy định về đạo đức người làm báo, đó là tính trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật và không lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi và làm trái pháp luật. Theo ông, nếu các nhà báo đều ý thức được việc này thì chắc chắn các cơ quan báo chí sẽ tránh được những sơ suất và sai phạm đáng tiếc; đồng thời xây dựng một nền báo chí cách mạng chính quy.
Bên cạnh những nhà báo, cơ quan báo chí làm việc nghiêm túc và chuyên nghiệp, cũng có không ít cơ quan báo chí nhìn nhận, xử lý thông tin thiếu trách nhiệm, dẫn tới việc xuất hiện một số nguồn tin sai lệch, không thỏa đáng do tay nghề non, nhãn quan chính trị và đạo đức nghề nghiệp còn yếu kém.
|
Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ cũng chỉ ra 4 nhóm sai phạm cơ bản mà một số cơ quan báo chí mắc phải, đó là đưa thông tin sai lệch về các vấn đề tư tưởng chính trị, đưa thông tin sai phạm về mảng đối ngoại, đưa thông tin sai phạm về kinh tế và các vấn đề xã hội. Ông cho rằng, những sai phạm đến từ bản thân phóng viên tác nghiệp, từ ban biên tập và Tổng biên tập của tờ báo ấy. Ông khẳng định: “Phóng viên có thể đưa tin sai nhưng Ban biên tập, Tổng biên tập không được phép sai và phải có quan điểm rõ ràng đối với thông tin được đăng tải”.
Từ đó, đồng chí Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã đề xuất các giải pháp cơ bản để khắc phục tình trạng đưa thông tin lệch lạc, sai trái, gây bất lợi cho dư luận xã hội.
Thứ nhất, bản thân Học viện Báo chí và Tuyên truyền cùng các sở đào tạo báo chí cần xem xét nhân thân, quá trình học tập của sinh viên khi tuyển sinh. Trong quá trình giảng dạy, nhà trường cần sắp xếp thời lượng, dung lượng nội dung môn Đạo đức báo chí nhiều hơn, giảng dạy về cả mặt tốt và mặt xấu của tình hình báo chí hiện nay để sinh viên có cái nhìn khách quan ngay từ trên ghế nhà trường.
Thứ hai, các cơ quan báo chí cần đào tạo phóng viên một nghiêm khắc, nâng cao trách nhiệm của Ban biên tập khi lựa chọn, đào tạo, thử thách phóng viên.
Thứ ba, khi có sai phạm, cần xử lý các cá nhân, tập thể ấy một cách nghiêm khắc, với những tờ báo thường xuyên đưa thông tin sai lệch hoặc giật tít, câu view quá đà, cần kiểm điểm, kỷ luật, thậm chí là đình bản để nâng cao tính trách nhiệm cho tờ báo.
Đồng tình với quan điểm của Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Phó ban Tuyên giáo Trung ương, Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Đỗ Quý Doãn cung cấp con số 5-10% thông tin do báo chí đăng tải là sai lệch; và theo ông, trong bài báo, chỉ cần 1 chi tiết sai cũng làm giảm giá trị của cả bài báo và toàn bộ nội dung sẽ bị phủ nhận, đặc biệt là vấn đề đấu tranh tiêu cực.
Thứ trưởng cũng cho biết, trong năm 2008, Bộ Thông tin – Truyền thông đã thu thẻ 15 nhà báo, trong đó có Tổng Biên tập, Phó Tổng biên tập. Đến năm 2010 đã xử phạt 51 trường hợp, phạt tiền 254,5 triệu đồng, thu hồi 4 thẻ nhà báo.
Về các sai phạm trong báo chí hiện nay, đặc biệt về vấn đề đạo đức của người làm báo, thứ trường đã chỉ ra một số lý do dẫn tới tình trạng này, đó là: đạo đức của người viết không được đảm bảo, có nhiều bài viết sai, không nắm được những điều luật cơ bản, có rất nhiều người không đi tới hiện trường mà chỉ ngồi một chỗ đưa tin. Thứ hai, nguồn tin chưa được xác định và kiểm chứng, thiếu sự kiểm tra chéo. Thứ ba, việc khai thác thông tin trên mạng xã hội còn tắc trách, nếu như trước đây, báo chí là cơ quan độc quyền về nguồn tin thì hiện nay, mạng xã hội đã “lấn sân” sang mảng cung cấp thông tin cho người sử dụng; tuy vậy, nhiều cơ quan báo chí không cần kiểm chứng mà đã đổ xô đưa tin, đưa bài. Và cuối cùng, quy trình tác nghiệp của tòa soạn chưa nghiêm túc, chưa tuân thủ quy trình biên tập từ phóng viên – biên tập viên – thư ký tòa soạn – Tổng biên tập. Theo ông, với báo điện tử, dù được đăng tải trên mạng nhưng cũng phải có sự chỉnh sửa của tổng biên tập hoặc người quản lý trên bản in để tránh những tình huống đáng tiếc.
Phần trình bày tham luận được diễn ra nghiêm túc và rất khẩn trương, ý kiến của các nhà báo và các nhà quản lý báo chí đưa ra sâu sắc và mang tính phản biện cao. Tiêu biểu là các tham luận “Đạo đức nghề báo trong khai thác và xử lý nguồn tin” của nhà báo Phương Quyên (Vụ trưởng,Trưởng ban Quản lý Phóng viên thường trú, Báo Nhân dân), tham luận “Đạo đức nghề báo trong khai thác và xử lý nguồn tin – nhìn từ Báo Quân đội nhân dân” của nhà báo Hà Mạnh Tường (Phó TBT báo Quân đội nhân dân), tham luận “Làm tốt công tác lãnh đạo, quản lý hoạt động của phóng viên, hạn chế vi phạm đạo đức nghề nghiệp” của nhà báo Lê Trọng Nghĩa (TBT báo Hải Phòng, Chủ tịch Hội nhà báo Hải Phòng), tham luận “Rà soát việc thực hiện 9 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam” của nhà báo Hà Kim Chi (Trưởng ban Kiểm tra, Hội Nhà báo Việt Nam), tham luận “Về phóng sự điều tra đầu tiên ở vụ Tiên Lãng (Hải Phòng) và một vài kinh nghiệm thực tế” của nhà báo, luật gia Liêu Chí Trung (Thư ký chi hội, Phó TBT Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại).
Các tham luận đều tập trung phân tích các sai phạm cơ bản của phóng viên trong quá trình tác nghiệp và xử lý thông tin, đều do sự non kém về nghiệp vụ cũng như sự tắc trách trong việc kiểm chứng, xác thực nguồn tin, gây hậu quả nghiêm trọng.
Sau phần trình bày tham luận, các đại biểu bước vào phần thảo luận. Rất nhiều ý kiến được các đại biểu đưa ra trên tinh thần xây dựng, nhìn thẳng, nói thẳng sự thật, không bao che, giấu giếm, tạo nên không khí thảo luận sôi nổi, đầy tính chiến đấu.
Chia sẻ quan điểm của mình, nhà báo lão thành Đỗ Phượng khẳng định: “Đã là nhà báo thì trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân phải đi đôi với nhau”. Mặc dù bây giờ làm báo thuận lợi hơn thời trước, chỉ cần một click chuột là có thể lấy được tất cả thông tin trên mạng, do vậy nhà báo càng cần phải tỉnh táo và sáng suốt trong việc xử lý thông tin, đặc biệt không được đưa những thông tin chộp giật, thiếu tính xây dựng.
Nhà báo lão thành Phan Quang cũng đặt ra câu hỏi: “Tại sao hiện nay số lượng các nhà báo bị hành hung trong quá trình tác nghiệp nhiều hơn trước đây?”. Theo ông, một phần do xã hội càng lúc càng lộn xộn, vai trò của đồng tiền quá lớn mạnh, cùng với đó là tình hình côn đồ, xã hội đen phức tạp hơn trước. Ngoài ra, ông còn chỉ ra tình trạng vai trò, chức năng của báo chí Việt Nam trong con mắt người dân Việt Nam không còn như trước đây. Mặc dù người dân vẫn cần báo chí giúp đỡ, kêu oan, nhưng cũng có một bộ phận nhà báo tư cách đạo đức yếu kém, trình độ có hạn, gây nên tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”.
Trước tình trạng ấy, nhà báo Phan Quang nhấn mạnh cần đưa tin nhanh nhưng trung thực. Vẫn biết nguyên lý trong truyền thông là “thông tin đến sớm sẽ tác động tới đối tượng mạnh hơn thông tin đến sau”, thế nhưng cần đảm bảo tính trung thực của báo chí. Cần chú trọng nêu những gương tốt, gương sáng, tránh những trường hợp quá tiêu cực, ảnh hưởng xấu tới dư luận. Đồng thời, ông cho rằng cơ chế xử lý, quy định nên chặt chẽ hơn và các cơ quan quản lý rất nên có “văn hóa từ chức”, cũng như quy chế rõ ràng về trách nhiệm liên đới khi xảy ra sai phạm.
Đồng tình với quan điểm của nhà báo lão thành Phan Quang, nhà báo Nguyễn Như Phong (TBT báo Năng lượng Mới) cho rằng nhiều tờ báo đang vẽ ra một xã hội Việt Nam quá xấu xa trên trang nhất. Nhiều thông tin tiêu cực được đưa lên trang nhất, viết bài đào sâu, dài kỳ gây ảnh hưởng xấu đến dư luận, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến lạm dụng trẻ em, vụ án nghiêm trọng hay các vụ việc kỳ lạ. Trong đó, nhiều thông tin bịa đặt, sai trái gây hoang mang dư luận và thiệt hại kinh tế quốc gia.
Về giải pháp, nhà báo Nguyễn Như Phong khẳng định, cần nghiêm túc hơn trong việc tuyển sinh đầu vào, đồng thời siết chặt kỷ luật, tăng thời lượng cho môn Đạo đức báo chí. Thứ hai, cần nâng cao trách nhiệm của các Tổng biên tập của các cơ quan báo chí, không dừng lại ở việc giáo dục suông mà cần có những chế tài xử phạt nghiêm khắc. Đồng thời rà soát lại phẩm chất chính trị của những người đứng đầu các cơ quan báo chí, có những yêu cầu cụ thể đối với từng vị trí lãnh đạo; khi có sai phạm, cần kết hợp hình thức của Bộ Thông tin – Truyền thông và kỷ luật Đảng để nâng cao tính răn đe.
Đại diện cho lớp phóng viên trẻ, nhà báo Đà Trang (báo Tuổi trẻ) cũng đồng tình với quan điểm cần siết chặt đầu vào tuyển sinh, bởi hầu hết phóng viên trẻ ra trường đều thiếu những kiến thức cơ bản về vấn đề nội chính, kinh tế và pháp luật nên rất dễ mắc lỗi sai. Theo anh, môn học Đạo đức báo chí cần phải chú trọng hơn nữa, cần gắn lý luận với thực tiễn để các sinh viên báo chí tự rút ra cho mình những bài học cho việc tác nghiệp sau này.
Buổi hội thảo đã diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến đóng góp mang tính chiến đấu cao và đều nhằm mục đích nâng cao trách nhiệm và đạo đức của người cầm bút với hiện thực xã hội cũng như với độc giả. Với buổi Hội thảo Quốc gia “Đạo đức nghề báo trong khai thác và xử lý nguồn tin”, các nhà báo đã rút ra được cho mình nhiều bài học trong quá trình thu thập và xử lý thông tin, đồng thời nâng cao bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp để mang lại những bài báo hay, đảm bảo tính thời sự cũng như hiệu quả xã hội tích cực, để báo chí thực sự là “một mặt trận”, “Cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng” và “cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ” như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn.
Theo (petrotimes)
Xem thêm: Nguyễn Tấn Dũng , Trần Đại Quang