Ngay lập tức, việc này đã thu hút sự quan tâm của dư luận.
Bỏ phiếu tín nhiệm: Rất hay nhưng…? |
Bỏ phiếu tín nhiệm bộ trưởng, nghe thì hay nhưng cơ chế chưa ổn
Từ trước đến nay, các lời hứa của Bộ trưởng trước Quốc hội hình như chưa bao giờ được giám sát kỹ xem hoàn thành được bao nhiêu phần trăm. Bởi lần trước hứa, lần sau lại có đầy lý do khách quan để không hoàn thành, mà người hứa “lèo” cũng chưa thấy ai bị mất chức cả.
Trong kỳ họp Quốc hội tới đây, sẽ khai mạc ngày 22/10 và bế mạc ngày 22/11, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: “Nếu việc thực hiện của bộ trưởng không đảm bảo thì khi lấy phiếu tín nhiệm sẽ thấp. Hai năm liên tục người đó không vượt 50% thì sẽ phải chuyển sang bỏ phiếu tín nhiệm".
Tuy nhiên, ông Phúc lại cho hay, do thời gian ngắn nên các bộ trưởng không thể lần lượt lên trình bày việc thực hiện lời hứa, mà phải gộp lại thành một báo cáo về việc chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 và thứ 3. Đây có thể lại là một giải pháp cứu cánh cho các bộ trưởng khi lại dùng chiêu thức “báo cáo gộp”. Như vậy, sự không minh bạch, nhập nhèm dễ có cơ hội để lời báo cáo của người trước át sự không hoàn thành nhiệm vụ của người sau.
Hơn nữa, việc dân cần biết những gì các Bộ trưởng đã làm được cho đất nước sau mỗi kỳ họp, đôi khi quan trọng hơn những việc tranh cãi lý thuyết thiếu thực tế trong việc dự thảo các bộ luật, hiện đang mất rất nhiều thời gian. Bởi phải biết mình đang ở đâu, đã làm được gì thì mới có thể căn cứ vào đó mà tiến tiếp, tiến cùng, chứ cái gì cũng dở dang để lần họp sau lại tranh luận. Ngoài ra, yếu tố con người cũng hết sức quan trọng, vì khi một Bộ trưởng đã không hoàn thành nhiệm vụ và trọng trách của những việc trước thì liệu có nên giao tiếp việc sau cho họ hay không? Và khi mọi sự thiếu trách nhiệm đã được phơi bày, thiết nghĩ cũng chẳng cần đến bỏ phiếu tín nhiệm khi công và tội đã rành rành ra đó.
Bỏ phiếu tín nhiệm, hoặc bất tín nhiệm, hoặc bãi miễn người đứng đầu một số cơ quan do Quốc hội bầu ra và phê chuẩn là một việc quá quen thuộc đối với các nước châu Âu, hay nói rộng ra là ở các nước có đặc tính duy lý.
Nhưng với người phương Đông và đặc biệt là những người coi trọng chữ tình thì không có thói quen này. Bởi ai cũng biết, với người duy tình thì chữ tín của người lãnh đạo được coi trọng, nhiều khi hơn cả tài năng.
Bỏ phiếu tín nhiệm là một cách làm hay, đánh giá được phẩm chất năng lực của người lãnh đạo. Nhưng với cơ chế lãnh đạo của chúng ta hiện nay, có những điều phải cân nhắc kỹ lắm.
Trước hết, về lãnh đạo, chúng ta vẫn đang duy trì cơ chế “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”.
Người đứng đầu, dù quyền chức lớn thế nào cũng chỉ là người thực hiện những nhiệm vụ, kế hoạch, những chỉ tiêu đã được tập thể lãnh đạo như Ban Thường vụ, Đảng ủy, Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc… phê duyệt và thành nghị quyết. Vậy nếu đó là nghị quyết sai, chủ trương sai thì quy trách nhiệm cho người đứng đầu thế nào đây? Ai cũng biết rằng, chân lý, nhiều khi không thuộc về số đông.
Một vấn đề nữa không thể không lưu tâm là người đứng đầu trong các bộ máy công quyền của nước ta hiện nay không có thực quyền, đặc biệt là quyền đề bạt, sử dụng cán bộ.
Một tân Bộ trưởng chắc chắn không thể nào xóa bỏ bộ máy giúp việc là các Thứ trưởng đã có từ trước để tự chọn cho mình một đội ngũ giúp việc mới.
Một Bí thư tỉnh ủy, một Chủ tịch tỉnh không thể tự chọn Phó bí thư, Phó chủ tịch giúp việc cho mình. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu như bộ máy giúp việc đó có những người năng lực yếu kém, nhưng lại giỏi môn “ném đá giấu tay”, “thọc gậy bánh xe”. Biết anh ta không làm được việc đấy, biết anh ta không tốt đấy, nhưng muốn thay được thì rất không đơn giản. Việc đề bạt, sử dụng cán bộ đã phải qua tầng tầng lớp lớp các quy định và theo các quy trình từ dưới lên. Nay, muốn miễn nhiệm người ta thì cũng lại phải qua tầng tầng lớp lớp những quy định đó.
Để tìm cho ra những khuyết điểm của người ấy một cách cụ thể, thể hiện trên giấy trắng, mực đen rất không đơn giản. Thậm chí, những người không làm được việc, nhưng lại có bản tính hiền lành, chẳng động chạm đến ai thì có khi lại được yêu quý hơn những người dám nghĩ, dám làm, dám nói. Bởi những người có nhiều chữ “dám” ấy thường hay bị mang tiếng là độc đoán, gia trưởng. Cho nên, nhiều khi những người làm việc giỏi chưa chắc số phiếu đã được cao hơn những người chẳng làm được gì, hay nói một cách khác là những người “vô hại”.
Vậy khi người đứng đầu không được toàn quyền chọn bộ máy giúp việc cho mình, không được toàn quyền vạch ra kế hoạch và bắt mọi người phải thực hiện theo kế hoạch đó, mà nay lại quy cho họ phải chịu trách nhiệm toàn diện thì đó chưa hẳn là công bằng.
Một vấn đề nữa không thể không nghĩ đến, đó là tình trạng cục bộ bản vị ở nước ta vẫn còn nặng nề. Những chuyện kéo bè, kéo cánh nhiều khi không phải từ lợi ích nhóm, mà từ quan hệ đồng hương, vùng miền, thậm chí đồng môn, đồng tuế. Rồi nhiều khi người ta không thích nhau với những lý do hết sức mơ hồ mà không thể nói được thành lời. Thử hỏi điều gì sẽ xảy ra khi đưa một vị Bộ trưởng ra bỏ phiếu tín nhiệm lại chỉ được có 50 - 60%, hoặc 70% số phiếu. Vậy sau lần bỏ phiếu đó, người ấy còn đủ uy tín để lãnh đạo hay không? Hay là khi người đó vừa lên diễn đàn yêu cầu cấp dưới phải làm việc nọ, việc kia, phải sống thế này, thế khác thì có những tiếng nói rằng: “Ông chỉ nói phét… phiếu bầu ông thấp tịt”.
Ai cũng biết người đứng đầu là phải lãnh đạo bằng uy tín, chứ không phải bằng uy lực; bằng năng lực, chứ không phải quyền lực và tuân theo pháp lý, nhưng phải tôn trọng đạo lý…
Chính vì thế, việc bỏ phiếu tín nhiệm người đứng đầu là một cách làm xem ra thì rất hay cần cần thiết, nhưng trong bối cảnh như chúng ta hiện nay và đặc biệt với tính tình của người Việt thì đây là điều cần phải có tính toán kỹ lưỡng và có lẽ nên làm thí điểm ở các cấp nào đó. Từ đó, rút kinh nghiệm và nhân rộng ra. Phải tạo được cho người dân thói quen về chuyện bỏ phiếu và phải có cơ chế để tạo sức mạnh tập trung cho người đứng đầu. Nếu không làm được như vậy, mà cứ áp dụng một cách máy móc bỏ phiếu theo kiểu phương Tây thì không khéo lại thành ra “tay phải cầm dao chặt tay trái”.
Xem thêm: Nguyễn Tấn Dũng , Trần Đại Quang