Thời gian qua, thị trường tài chính ngân hàng liên tục nóng và thu hút sự quan tâm của người dân. Những câu hỏi như có hay không lợi ích nhóm trong hoạt động mua bán sáp nhập ngân hàng, phải nhìn nhận ra sao khi một loạt các nhân vật nắm vị trí chủ chốt trong lĩnh vực ngân hàng thương mại bị truy tố và bị bắt giữ.
Trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" phát trong Bản tin thời sự của Đài truyền hình Việt Nam phát sóng tối 7/10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã trả lời những vấn đề mà người dân đang quan tâm hiện nay.
CÓ LỢI ÍCH NHÓM TRONG HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG |
Thưa thống đốc, những kết quả mà ngành ngân hàng đạt được trong thời gian qua rất đáng khích lệ như lãi suất giảm mạnh, tỷ giá ổn định. Tuy nhiên có một luồng dư luận khác cho rằng do chính sách đã thắt quá chặt, quá nhanh,ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, là nguyên gây ra khó khăn cho doanh nghiệp và hoạt động sản xuất, nhiều doanh nghiệp phải giải thể. Thống đốc bình luận ra sao về các ý kiến này?
Thống đốc: Chính sách của Đảng và Nhà nước là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Năm 2012, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực, hợp lý trong bối cảnh của nền kinh tế hiện nay.
Chúng ta không thể nói chính sách của NHNN là quá thắt chặt. Bởi lẽ biểu hiện rõ nét nhất của chính sách tiền tệ thắt chặt là thanh khoản khó khăn, lãi suất tăng. Nhưng trong 1 năm qua, thực tế lãi suất đã giảm mạnh và thanh khoản hệ thống cải thiện rất lớn.
Chỉ có thể nói chính sách điều hành chặt chẽ, linh hoạt. Từ đó giúp kiềm chế lạm phát mà vẫn đảm bảo tăng trưởng hợp lý.
Còn việc hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn là hệ lụy đã đoán được và cũng là cái giá phải trả để kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô và cũng là chủ trương tái cấu trúc lại các doanh nghiệp.
Thưa thống đốc, hoạt động ngân hàng năm qua đã chứng kiến nhiều mốc quan trọng. Lần đầu tiên các NHTM phải sáp nhập, hợp nhất, lần đầu tiên có các tên ngân hàng đã tồn tại hàng chục năm như Habubank phải vĩnh viễn biến mất. Tuy nhiên nhìn chung quá trình tái cấu trúc NHTM rất yên ả. Nhiều ý kiến rằng có lợi ích nhóm trong quá trình tái cấu trúc. Vậy có hay không lợi ích nhóm trong quá trình này? Thống đốc lý giải ra sao?
Thống đốc: Trong những năm qua chúng ta đã chứng kiến hệ thống ngân hàng, đặc biệt hệ thống NHTM cổ phần phát triển quá mạnh, quá nóng.
Bên cạnh đó, hoạt động quản lý nhà nước của NHNN với các ngân hàng còn rất nhiều bất cập. Hệ thống văn bản, thể lệ chế độ quản lý không theo kịp trình độ phát triển và tốc độ phát triển của các NHTM cổ phần, gây ra nhiều bất cập, nhiều lỗ hổng. Hoạt động thanh tra giám sát không phát huy hiệu quả, đôi khi là buông lỏng.
Từ chỗ hệ thống phát triển nhanh, nóng, công tác quản lý nhà nước chưa chặt chẽ, dẫn tới nhiều hệ lụy mà hôm nay phải chấn chỉnh. Một trong những hệ lụy đó là xuất hiện lợi ích nhóm. Có những nhóm lợi ích xuất hiện trong mỗi một ngân hàng cũng như trong cả hệ thống. Nó có thể thao túng hoạt động của một ngân hàng và ảnh hưởng đến cả hệ thống.
Vừa qua, trong chương trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, đặc biệt là NHTM cổ phần, bằng cách triển khai hoạt động thanh tra giám sát quyết liệt,bài bản, tất cả các nội dung về lợi ích nhóm đó đã được phơi bày.
Có những ngân hàng chỉ do 1, 2 hoặc 1 nhóm cổ đông chi phối và dư nợ của ngân hàng chiếm đến 70 - 90% phục vụ cho nhóm cổ đông đó. Đặc biệt, nhóm cổ đông này sử dụng vốnngân hàng không hiệu quả gây thất thoát vốn ngân hàng, buộc ngân hàng phải nằm trong chương trình tái cơ cấu của NHNN.
Phần lớn các tổ chức tín dụng này và các cổ đông đã nhận thức được vấn đề và phối hợp với NHNN để đưa ra phương án xử lý.
Nhưng bên cạnh đó cũng có 1 nhóm cổ đông hoặc cổ đông chống đối, dưới hình thức trước mặt cơ quan quản lý như NHNN thì phải chấp nhận vì có bằng chứng rõ ràng, nhưng bên ngoài thì cấu kết với những phần tử xấu ở trong nước.
Thậm chí phần tử phản động ở nước ngoài, đưa ra những thông tin thất thiệt, làm bôi nhọ những cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bóp méo thực tế tái cấu trúc ngân hàng, gây hoang mang trong dư luận, gây hoài nghi trong lãnh đạo các cấp vào chương trình tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, khiến cơ quan quản lý chùn bước trong việc xử lý các vấn đề này, từ đó gây ra những tin đồn ngoài thị trường về lợi ích nhóm trong quá trình tái cơ cấu.
Ban lãnh đạo NHNN nhận thức rõ, vấn đề lợi ích nhóm là rào cản lớn nhất trong quá trình tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng. Ngay từ đầu, NHNN đã xác định kiên quyết đấu tranh chống lại lợi ích nhóm.
Gần đây, ban cán sự Đảng NHNN đã thực hiện kiểm điểm rất sâu sắc. Kết thúc đợt đánh giá, thay mặt đoàn công tác Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ghi nhận không có lợi ích nhóm trong tập thể ban cán sự Đảng NHNN cũng như từng cá nhân trong ban cán sự Đảng NHNN.
NHNN vẫn kiên quyết đấu tranh với lợi ích nhóm để xử lý được các NHTM yếu kém, mang lại sự lành mạnh cho từng tổ chức tín dụng và cả hệ thống.
Sự kiện ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt gây chao đảo cho ngân hàng ACB và hệ thống ngân hàng. NHNN đã thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ và đến nay ACB đã hoạt động bình thường. Tuy nhiên, xã hội vẫn còn lan truyền nhiều tin đồn nay chủ tịch ngân hàng này mai giám đốc ngân hàng kia bị bắt gây hoang mang trong giới tài chính ngân hàng và người gửi tiền, Thống đốc nhận định ra sao về vấn đề này?
Do đặc thù của hoạt động ngân hàng nên phương châm hoạt động trong quá trình xử lý NHNN đã trình Bộ Chính trị và Chính phủ là thực hiện tái cấu trúc hệ thống nhưng phải đảm bảo an toàn, lành mạnh của các TCTD.
Do vậy, cá nhân nào đó trong HĐQT hay ban giám đốc của ngân hàng vi phạm pháp luật thì phải xử lý nghiêm. Tuy nhiên, do đặc thù của hoạt động ngân hàng đòi hỏi phải có cách xử lý bài bản hơn.
Mục tiêu quan trọng là nếu cá nhân, tổ chức nào có sai phạm làm thất thoát tài sản của Nhà nước, người dân thì phải tạo điều kiện cho họ trước tiên khắc phục đầy đủ các thất thoát đó, để đảm bảo quyền lợi của người dân, của nhà nước, của hệ thống, còn những hành vi vi phạm sẽ phải xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
Vừa qua có tin đồn này tin đồn nọ, nhưng quần chúng không có gì phải hoang mang vì đây đã là một chương trình có trước, NHNN và các cơ quản quản lý pháp luật có đầy đủ các phương án để xử lý các hệ lụy.
Cũng nhân những việc vừa rồi, các thế lực thù địch, thậm chí là thế lực phản động ngoài nước tung tin đồn gây hoang mang. NHNN đề nghị nhân dân cảnh giác với những thông tin đó và hoàn toàn tin tưởng vào sự vận hành thị trường của cơ quan quản lý và NHNN.
Vâng xin cảm ơn Thống đốc