Sau đây là những vấn đề chính sẽ được trao đổi trong Hội Nghị Trung Ương 6:
Hội Nghị Trung Ương 6 |
Tình hình kinh tế - xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; chính sách, pháp luật về đất đai; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; phát triển khoa học và công nghệ; quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước; báo cáo kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về xây dựng Đảng.
Đây là những vấn đề bức thiết đối với sự ổn định và phát triển của đất nước.
Có những vấn đề mới nhưng nhiều nội dung đã có chủ trương, chính sách và đã được tiến hành từ lâu nhưng đến nay, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém. Trong số các nội dung này có đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, và phát triển khoa học và công nghệ.
Trao đổi với chúng tôi, trong hội nghị này, Tổng bí thư cũng đã chỉ ra những nội dung cụ thể mà Ban Chấp hành sẽ thảo luận và quyết định trên từng vấn đề.
|
1. Đánh giá khách quan trong từng vấn đề, với tinh thần phê bình tự phê bình của Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XI.
Không đánh bóng, tô hồng các thành tựu. Không giảm nhẹ, khỏa lấp các yếu kém, khuyết điểm. Không cân đối theo kiểu có bao nhiêu ưu điểm, thành tựu thì bấy nhiêu hoặc ít hơn khuyết điểm, yếu kém.
Đánh giá còn có nêu lên được các tác động, các hệ quả trong một nền kinh tế ngày càng toàn cầu hóa, một thế giới ngày càng hội nhập mà chủ nghĩa bá quyền, chủ nghĩa can thiệp vẫn là nguồn gốc cơ bản gây nên mất ổn định.
Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, cần đánh giá khách quan việc quán triệt và triển khai Nghị quyết Trung ương 2 (Khóa VIII) (1) đã được ban hành đến nay đã mười sáu năm.
2. Phân tích nguyên nhân thấu đáo, chính xác và đầy đủ, và nhất là thành khẩn với thái độ thực sự cầu thị của những người có trách nhiệm trực tiếp, về những việc đã làm được và những khuyết điểm yếu kém, cũng với tinh thần phê bình tự phê bình của Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XI.
Ai cũng biết, mọi nguyên nhân cần có địa chỉ thì mới mong khắc phục được.
Đi đến nguyên nhân của nguyên nhân, như Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) đã làm, trong tình hình hiện nay là chờ đợi của đảng viên và của nhân dân.
Đối với hai lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, cần làm rõ tại sao những nguyên nhân nêu lên mười sáu năm trước đây đã chậm hoặc không được khắc phục và sửa chữa (2). Đây là điều kiện tiên quyết để nền giáo dục và khoa học công nghệ nước nhà được vực dậy, tiến lên, thu hẹp dần sự tụt hậu hầu như trên tất cả các mặt không thể chối cãi được so với thế giới.
3. Phát huy sự phản biện và tranh luận ngay tại hội nghị nhằm đi đến một Nghị quyết Trung ương lần thứ Sáu đáp ứng mong đợi của người dân và yêu cầu của tình hình trong nước và quốc tế.
Mọi ý kiến phản biện tại hội nghị phải được lắng nghe, nghiên cứu, không định kiến. Ngược lại các phản biện phải có chất lượng, không nể nang, đặt lên trên hết tương lai của đất nước, quyền lợi của nhân dân, đặc biệt trong bối cảnh và trước những thách thức mang tính toàn cầu hiện nay và sắp tới.
Nghị quyết chung và trên từng vấn đề mà Hội nghị Trung ương lần thứ Sáu sẽ thông qua phải là kết tinh của sự thảo luận dân chủ, có chiều sâu tại hội nghị.
Phản biện và tranh luận khi bàn về hai lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, sẽ giúp tránh được những ý tưởng mông lung, thiếu căn cứ nhưng được vội đưa thành đề án, dự án (3) và ngốn rất nhiều tiền của ngân sách nhà nước nghĩa là từ túi của người dân (4) nhân danh “đổi mới căn bản và toàn diện”.
4. Phải xem xét tiêu cực và tham nhũng trong tất cả các vấn đề trong chương trình nghị sự của Hội nghị Trung ương lần này. Kiên quyết làm rõ, nhổ bỏ, giải phẫu các khối u này và những thể hiện của chúng trong các vấn đề là một trong những biện pháp thiết thực nhất để giải quyết “quốc nạn” này.
Những chờ đợi trên đây không có gì là cao xa, nhưng là những hòn đá nhỏ lót đường đi đến Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ Sáu rất được mong đợi.
_______________
1. Nghị quyết Hội nghị lần thứ Hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VIII) về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000. (24-12-1996).
2. Xin được trích để liên hệ: “Công tác quản lý giáo dục - đào tạo có những mặt yếu kém, bất cập. Mấy năm gần đây, có chủ trương đổi mới về giáo dục, nhưng một số chủ trương chưa được nghiên cứu, chuẩn bị chu đáo trước khi áp dụng, tổ chức thực hiện lại có nhiều thiếu sót. Mở rộng quy mô giáo dục - đào tạo phát triển nhiều loại hình giáo dục - đào tạo nhưng có nhiều thiếu sót trong việc quản lý chương trình, nội dung và chất lượng. Công tác thanh tra giáo dục còn quá yếu, thiếu những biện pháp hữu hiệu để kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo, đặc biệt là đối với hình thức trường “mở”, bán công, dân lập, tư thục và không tập trung. Chậm phát hiện và thiếu nghiêm túc trong xử lý và khắc phục các biểu hiện tiêu cực trong ngành giáo dục - đào tạo.
Cơ chế quản lý của ngành giáo dục - đào tạo chưa hợp lý, có tình trạng vừa ôm đồm sự vụ, vừa buông lỏng chức năng quản lý nhà nước; chưa thực hiện tốt sự quản lý thống nhất, giữ vững kỷ cương trong công tác giáo dục, đồng thời chưa phát huy quyền chủ động và trách nhiệm của địa phương và nhà trường.
Phương pháp giáo dục - đào tạo chậm đổi mới, chưa phát huy được tính chủ động, sáng tạo của người học.
Giáo dục - đào tạo chưa kết hợp chặt chẽ với lao động sản xuất, nhà trường chưa gắn với gia đình và xã hội. Hoạt động giáo dục - đào tạo chưa gắn mật thiết với các hoạt động sản xuất và nghiên cứu khoa học.”
3. Như đề án “đào tạo 20.000 tiến sĩ” đến năm 2012, rồi triển hạn sang năm 2015.
4. Như “dự án” xây dựng bộ sách giáo khoa mới với kinh phí ước tính đến 70.000 tỷ đồng chẳng hạn.
Theo Nguyễn Ngọc Trân
Người đại biểu nhân dân
Xem thêm: Nguyễn Tấn Dũng , Trần Đại Quang