Báo này trong bài của hai tác giả Vũ Phong và Minh Tuấn nhận định: "Trong nhiều năm qua, với thế lực cả về kinh doanh lẫn chính trị, "bố già" Đặng Thành Tâm, ông chủ thực sự hai ngân hàng Phương Tây và Nam Việt (Navibank) đã dùng nhiều thủ đoạn sai trái, mờ ám để thao túng và trục lợi từ các ngân hàng này".Bài này nhắc lại cáo buộc rằng ông Tâm và vợ đã từng sở hữu gần 36% vốn điều lệ của Ngân hàng Phương Tây, trái quy định của Nhà nước,"Bằng việc sở hữu phi pháp 35,78% ngân hàng này, ông Đặng Thành Tâm đã thao túng được toàn bộ HĐQT và bộ máy quản lý, điều hành của Ngân hàng Phương Tây."
Phản bác cáo buộc này, doanh nhân Đặng Thành Tâm nói với BBC "đây là thông tin hoàn toàn bịa đặt".
" Từ trước đến nay tôi chưa bao giờ sở hữu cổ phần nào của Ngân hàng Phương Tây cả".
Ông Đặng Thành Tâm là đại biểu Quốc hội khóa XIII |
'Thế lực kinh doanh và chính trị'
Bài báo trên Người Cao Tuổi cũng tố cáo ông Tâm đã lãnh đạo ngân hàng thực hiện "nhiều khoản cho vay ảo, đẩy tổng dư nợ lên tới 4.000 tỷ đồng",Giải thích về tổng dư nợ, ông Đặng Thành Tâm nói với BBC: "Việc này hoàn toàn không liên quan đến tôi và gia đình. Nhưng tôi được biết do chính sách tín dụng thắt chặt, hàng năm chỉ cho phép tăng đều giữa tất cả các Ngân hàng một tỷ lệ phần trăm nhất định, nên nhiều ngân hàng đã cố gắng vận dụng bằng cách tăng dư nợ cuối năm và ngay đầu năm trả lại".
"Mục đích giúp các công ty tăng số dư tiền gửi mà ngân hàng lại có thêm lợi nhuận, thực chất số tiền này vẫn lưu tại ngân hàng, do vậy hoàn toàn không có rủi ro và không hề làm tăng lượng tín dụng".
"Theo thông tin đại chúng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã công bố rằng số tiền tăng tín dụng ảo của toàn hệ thống chiếm đến hơn 10% tổng tín dụng gia tăng năm 2011."
Ông thừa nhận: "Hiện tượng này cũng khá phổ biến trong hệ thống ngân hàng của Việt Nam, tất nhiên đây không phải là việc làm cần khuyến khích, mà chỉ là giải pháp tình thế của các ngân hàng".
Hai nhà báo của Người Cao Tuổi viết: ""Bố già" Đặng Thành Tâm đã tổ chức mạng lưới chân rết rút tiền từ ngân hàng ra cho bản thân và những người có liên quan, đẩy Ngân hàng Phương Tây vào tình trạng mất vốn, thường xuyên mất thanh khoản".
Theo ông Tâm, đây là "thông tin bịa đặt vì Ngân hàng Phương Tây chưa bao giờ mất thanh khoản dù cho hơn 20% (9/45) tổng số Ngân hàng đã bị mất thanh khoản buộc Ngân hàng nhà nước phải bơm vào hàng chục ngàn tỷ đồng", Tuy nhiên, Ngân hàng Phương Tây vẫn bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào danh sách sáu ngân hàng buộc phải tái cấu trúc.
"Trong sáu ngân hàng nà̀y, có hai ngân hàng, trong đó có Ngân hàng Phương Tây, không bị mất thanh khoản và Ngân hàng Nhà nước chưa phải tái cấp vốn."
Doanh nhân này cho hay tới nay nhóm cổ đông của Ngân hàng Phương Tây đã trả hết nợ xấu và giảm nợ nhóm theo kết luận thanh tra "xuống một cách đáng kể và tích cực".
Ông Đặng Thành Tâm tỏ rõ bức xúc trước kết luận của bài báo trên Người Cao Tuổi, rằng "hành vi phạm pháp của ông Đặng Thành Tâm đã rõ và rất nghiêm trọng".
Theo ông, "xét trên khía cạnh ngân hàng thì chắc chắn nợ xấu hay các chỉ tiêu khác của chúng tôi đều thấp và tốt hơn mức trung bình của toàn ngành vì mức nợ xấu 1.600 tỷ [của Ngân hàng Phương Tây] là quá nhỏ so với hơn 200.000 tỷ nợ xấu của toàn hệ thống".
Thế lực ngầm
Doanh nhân này cũng bác bỏ cáo buộc nói rằng ông đã sử dụng một cách mờ ám số tiền 600 tỷ đồng mà "Công ty Cổ phần Chứng khoán Navibank (do Ngân hàng Navibank mà bản chất là ông Tâm sở hữu) ... lấy tiền từ ngân hàng thông qua việc nhận đặt cọc môi giới mua trái phiếu", Bài báo tố cáo: "Bằng cách nhận ủy thác đầu tư, ông Tâm đã tuồn được hơn 600 tỷ đồng cho các công ty của gia đình là Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo và Công ty Cổ phần Xây dựng Sài Gòn".
Ông Đặng Thành Tâm khẳng định: "Công ty Cổ phần chứng khoán Navibank không hề chuyển tiền cho cá nhân tôi, vợ con tôi và công ty của tôi".
"Tôi khẳng định không có điều gì mờ ám ở đây như báo đăng."
Hôm 26/9, Công ty Cổ phẩn Chứng khoán Navibank cũng có công văn gửi các báo, trong có Người Cao Tuổi và Cựu chiến binh, khẳng định "không có bất cứ giao dịch nào với cá nhân ông Đặng Thành Tâm" như cáo buộc.
Giới quan sát cho rằng hiện dường như đang có một chiến dịch nhằm vào ông Đặng Thành Tâm và chị gái của ông, doanh nhân, cựu đại biểu Quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến.
Bà Yến đã bị Quốc hội bãi nhiệm hồi tháng Năm sau khi bị tố cáo gian lận về khai báo lý lịch.
Trước bài báo mới nhất này, báo Người Cao Tuổi hôm 25/9 chạy bài 'Ông Bấm Đặng Thành Tâm và những thủ đoạn rút tiền không minh bạch' cũng của hai nhà báo Vũ Phong và Minh Tuấn, nói về hoạt động tài chính của vị đại biểu Quốc hội này.
Cùng dòng bài tố cáo ông Tâm liên quan Ngân hàng Phương Tây, hai báo khác là Cựu chiến binh và PetroTimes trước đây đã chạy bài đặt câu hỏi về con số 600 tỷ đồng mà họ cho rằng đã bị chuyển một cách 'khuất tất' vào tài sản cá nhân của ông Đặng Thành Tâm và gia đình.
PetroTimes sau đó đã gỡ bài, nhưng Cựu chiến binh giữ nguyên bài báo.
Tuy nhiên, báo Người Cao Tuổi của Tổng biên tập Kim Quốc Hoa đã tiến thêm một bước khi gọi trực diện ông Đặng Thành Tâm bằng danh từ thường dùng để chỉ thủ lĩnh thế giới ngầm.
Mới đây, ông Tâm và chị gái - bà Đặng Thị Hoàng Yến, đã gửi đơn kêu cứu lên Bộ Chính trị và Quốc hội về việc hai nhân viên của họ bị bắt vì các nghi vấn liên quan chính trị.